Cảng hàng hóa ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Trung Quốc đã nhanh chóng trả đũa đối với mức thuế quan mới của Mỹ bằng cách tăng thuế nhập khẩu đối với 21 tỷ USD giá trị các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ
Động thái này đã đưa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tiến gần hơn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Bắc Kinh cũng áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu và đầu tư đối với 25 công ty Mỹ vì lý do an ninh quốc gia, nhưng tránh trừng phạt bất kỳ công ty nào như khi trả đũa mức thuế quan ngày 4/2 của chính quyền ông Trump.
"Việc cố gắng gây sức ép cực độ lên Trung Quốc là một tính toán sai lầm", một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc chưa bao giờ khuất phục trước sự bắt nạt hoặc ép buộc.
Các biện pháp trả đũa mới nhất được đưa ra sau khi mức thuế bổ sung 10% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp dụng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có hiệu lực từ ngày 4/3.
Điều đó dẫn đến mức thuế tích lũy là 20% để đáp trả lại việc Nhà Trắng coi Trung Quốc không có hành động gì đối với vấn nạn buôn bán fentanyl.
Các nhà phân tích cho biết, Bắc Kinh vẫn hy vọng đàm phán được một thỏa thuận ngừng áp thuế, cố tình đặt mức tăng dưới 20% để các nhà đàm phán có thời gian đưa ra thỏa thuận, nhưng mỗi lần leo thang lại làm giảm cơ hội xích lại gần nhau.
Theo nhận định của Even Pay, một nhà phân tích nông nghiệp tại Trivium China: "Chính phủ Trung Quốc đang phát tín hiệu rằng họ không muốn leo thang căng thẳng. Có thể nói chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Chiến tranh thương mại 2.0". Even Pay cho biết thêm rằng vẫn còn thời gian để tránh một cuộc chiến thương mại kéo dài nếu ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đạt được thỏa thuận.
Ngày 4/3, Trung Quốc cho biết sẽ điều tra các nhà sản xuất một loại sợi quang của Mỹ vì đã lách luật chống bán phá giá, đình chỉ giấy phép nhập khẩu của ba nhà xuất khẩu Mỹ và dừng các lô hàng gỗ xẻ của Mỹ sang nước này.
Theo báo cáo ngày 5/2 từ Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ tháng 12/2024 đạt 48,83 tỷ USD, tăng từ 47,31 tỷ USD so với tháng trước.
Thâm hụt thương mại tháng 12 của Mỹ tăng 24,7% so với tháng trước lên 98,4 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 3/2022. Mỹ có thâm hụt lớn với Trung Quốc và các đối tác thương mại hàng đầu khác như Mexico và Canada...
Mức thuế mới của Mỹ là mức tăng bổ sung vào mức thuế hiện hành đối với hàng nghìn mặt hàng của Trung Quốc. Một số sản phẩm này đã phải chịu mức thuế quan tăng mạnh của Mỹ vào năm ngoái dưới thời Tổng thống Joe Biden, bao gồm mức thuế đối với chất bán dẫn tăng gấp đôi lên 50% và mức thuế đối với xe điện tăng gấp bốn lần lên hơn 100%.
Mức thuế 20% sẽ đánh vào một số mặt hàng điện tử tiêu dùng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc của Mỹ vốn trước đây không bị ảnh hưởng, từ điện thoại thông minh và máy tính xách tay đến máy chơi trò chơi điện tử, đồng hồ thông minh, loa và thiết bị Bluetooth.
Ngay sau thời hạn, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách áp thuế bổ sung 15% đối với thịt gà, lúa mì, ngô và bông của Mỹ và áp thuế bổ sung 10% đối với đậu nành, lúa miến, thịt lợn, thịt bò, sản phẩm thủy sản, trái cây, rau quả và sữa nhập khẩu từ Mỹ từ tháng 3.
Bắc Kinh cũng đã thêm 15 công ty Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, cấm các công ty Trung Quốc cung cấp công nghệ sử dụng kép cho các công ty Mỹ.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và lĩnh vực này từ lâu đã dễ bị lợi dụng làm mục tiêu công kích khi xảy ra căng thẳng thương mại.
Kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản của Trung Quốc từ Mỹ giảm trong năm thứ hai xuống còn 29,25 tỷ USD vào năm 2024, từ mức 42,8 tỷ USD vào năm 2022.
Theo thống kê, hợp đồng tương lai bột đậu nành và bột hạt cải được giao dịch tích cực nhất tại quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới đã tăng 2,5% vào ngày 3/3, sau khi Thời báo Hoàn cầu đưa tin Bắc Kinh có kế hoạch nhắm mục tiêu vào hàng xuất khẩu nông sản của Mỹ.
Chuyển đổi chuỗi cung ứng
Căng thẳng thương mại có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát của Mỹ và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm bảo sự phục hồi kinh tế bền vững sau Covid, vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.
Hôm 4/3, Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ -Trung Quốc (USCBC) hoan nghênh mục tiêu của ông Trump trong việc giải quyết tình trạng buôn bán fentanyl bất hợp pháp, nhưng cho biết việc tăng thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc không phải là cách để đạt được mục tiêu đó.
Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ đạo của Trung Quốc, nhập khẩu nhiều hàng hóa Trung Quốc nhất thế giới. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt 3,5 nghìn tỷ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm 502 tỷ USD, tương đương 14,8%. Tỷ trọng này cao hơn đáng kể so với thị trường xuất khẩu lớn thứ hai – Hồng Kông (8,2%).
Xét theo mặt hàng, điện tử tiêu dùng là mặt hàng Trung Quốc phụ thuộc lớn nhất vào Mỹ. Thị trường Mỹ chiếm tới 22% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Trung Quốc.
"Thuế quan áp dụng trên diện rộng sẽ gây tổn hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nông dân Mỹ và làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của chúng ta", chủ tịch Sean Stein cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có thể mang lại lợi ích cho các nước thứ ba.
Kể từ khi Mỹ và Trung Quốc áp đặt thuế quan trả đũa trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Bắc Kinh đã có động thái cắt giảm sự phụ thuộc vào hàng nông sản của Mỹ bằng cách thúc đẩy sản xuất trong nước và mua nhiều hơn từ các quốc gia như Brazil.
Các nhà xuất khẩu nông sản của Mỹ cũng có thể tăng cường nỗ lực thay thế thị trường Trung Quốc bằng cách vận chuyển nhiều hơn đến Đông Nam Á, Châu Phi và Ấn Độ.
Dennis Voznesenki, một nhà phân tích tại Ngân hàng Commonwealth ở Sydney cho biết: "Thuế quan của Trung Quốc đối với lúa mì và ngô nhập khẩu từ Mỹ sẽ hỗ trợ nhu cầu đối với lúa mì của Úc"./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!