Thu hoạch lúa xong, nông dân bán rơm tại ruộng thì lợi nhuận tăng thêm 1,8 triệu đồng/ha/năm. Nếu sử dụng rơm trồng nấm sẽ tăng thêm 6,5 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nếu sản xuất phân bón hữu cơ có thể thu về lợi nhuận 9,5 triệu đồng/ha. Những con số hấp dẫn này cho thấy nguồn lợi từ rơm khá lớn nếu được sử dụng hợp lý, thay vì chỉ trông hoàn toàn vào lợi nhuận từ hạt lúa.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - cho rằng: "Di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng đáp ứng được hai yêu cầu. Một là giảm phát thải khí nhà kính. Hai là sử dụng rơm đó làm gia tăng thu nhập cho bà con nông dân. Còn gốc rạ trên đồng hoặc những nơi không di chuyển rơm được thì chúng ta phải có những giải pháp khác".
Giải pháp khác ở đây là cần máy móc cơ giới chuyên biệt, nhất là vụ hè thu và thu đông, rơm thường bị ướt, rất khó thu hoạch. Do đó, nếu không có máy cuộn rơm ướt thì không thể đảm bảo mục tiêu của đề án đưa ra đến năm 2030 sẽ mang toàn bộ rơm ra khỏi đồng.
Tại hội thảo về tăng cường chuỗi giá trị rơm rạ, nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp không thu kịp do lượng rơm quá lớn thì sẽ dễ gây ngộ độc hữu cơ. Do đó, các viện trường, các doanh nghiệp chuyên nghiên cứu về vi sinh đã đồng hành cùng đề án, giúp việc phân hủy rơm rạ tốt hơn để giảm phát thải ra môi trường.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực sử dụng rơm rạ. Những định hướng này không chỉ hiện thực hoá việc biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn tài nguyên giá trị mà còn góp phần vào mục tiêu xanh toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!