Thủy sản tìm giải pháp cho những đơn hàng dang dở

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 04/04/2025 20:50 GMT+7

bangdatally.xyz - Ngoài việc tính toán lại các đơn hàng đã kí, các doanh nghiệp hiện đã tính tới bài toán giảm sản lượng nuôi và tính toán lại các chi phí đầu vào để tăng sức cạnh tranh.

Ngành thủy sản sau thông tin áp thuế đối ứng của Mỹ đã nhanh chóng có những phản ứng. Ngoài việc tính toán và đưa ra những giải pháp cho từng ngành hàng bị ảnh hưởng, việc giải quyết những đơn hàng đang thực hiện dang dở cũng được đặc biệt quan tâm. Toàn ngành từ cơ quan quản lý tới các doanh nghiệp đang nỗ lực để chủ động hơn với biến động thuế quan.

Hơn 1.500 tấn thủy sản đang trên đường đến Mỹ nhưng doanh nghiệp cũng chưa biết mốc thời gian chính xác để một lô hàng bị tính thuế. Đến nay, Bộ Công thương đã có công hàm đề nghị phía Mỹ hoãn áp dụng thuế đối ứng . Nếu Mỹ đồng ý những đơn hàng đang trên đường như vậy sẽ đỡ áp lực hơn.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VASEP vừa có công văn gửi Chính phủ và các bộ ngành đề nghị sớm có phương án đàm phán với Chính phủ Mỹ xác định thống nhất mức thời gian áp dụng mức thuế mới và thông báo chính thức cho phía Hải quan Mỹ. Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Hiệp hội cũng đã có công văn khuyến cáo tới các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp chủ động liên hệ để phối hợp với văn phòng Hiệp hội cũng như các nhà nhập khẩu để có thông tin tốt nhất, phối hợp với Chính phủ để có được những đàm phán mà chúng ta sớm có kết quả tốt nhất".

Thủy sản tìm giải pháp cho những đơn hàng dang dở - Ảnh 1.

Ngành thủy sản Việt Nam sau cú bứt phá gần 2,5 tỉ USD trong quý I, sẽ đối diện với những thử thách mới

Hai mặt hàng sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ mức thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ là tôm và cá tra. Ngoài việc tính toán lại các đơn hàng đã kí, các doanh nghiệp hiện đã tính tới bài toán giảm sản lượng nuôi và tính toán lại các chi phí đầu vào để tăng sức cạnh tranh.

Ông Đỗ Lập Nghiệp - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt chia sẻ: "Tìm thị trường những hàng tốt nhất để tồn tại trong lúc này. Thậm chí, mình giảm sản lượng xuống vì hiện nay, sản lượng đang chênh cung cầu nên phải cân đối cung cầu".

Ông Trình Trung Phi - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Úc nêu ý kiến: "Đầu vào của chúng ta qua nhiều khâu nhiều lớp nhiều tầng làm cho giá thành đội lên. Sắp tới đây, chúng ta phải làm thế nào đẩy mạnh các mạng lưới gọi là chuỗi sản xuất".

So với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại thị trường Mỹ, hiện Việt Nam bị ảnh hưởng lớn nhất do Ấn Độ chỉ bị chịu mức thuế 20%, còn Ecuado chỉ có 10%. Nên ngành nông nghiệp cũng sẽ tính toán lại sản lượng, vùng nguyên liệu, đặc biệt đẩy mạnh chế biến sâu để khai thác thêm các thị trường mới.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định: "Đặc biệt là giải pháp khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và đạt được tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ. Mặt khác, chúng ta phải mở rộng các thị trường khác, để không phụ thuộc vào một thị trường".

Ngành thủy sản Việt Nam sau cú bứt phá gần 2,5 tỉ USD trong quý I, sẽ đối diện với những thử thách mới. Hi vọng với những điều hành kịp thời từ Chính phủ, kinh nghiệm vượt qua các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp từ Mỹ, ngành thủy sản sẽ đưa ra những giải pháp linh hoạt để vượt khó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước