"Không bỏ trứng vào một giỏ"
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề "Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, qua sự kiện thuế đối ứng vừa qua, mới thấy rằng tính tự cường, năng lực tự đàn hồi của nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn như giày da, thuỷ sản, gỗ, hàng điện tử… đều rất yếu kém.
"Chúng ta đang tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào các đầu vào chi phí thấp. Bao gồm nhân công chi phí thấp và nguyên vật liệu đầu vào còn tương đối rẻ. Đặc biệt như ngành gỗ - ngành thâm dụng lao động cao vẫn đang dựa vào 2 lợi thế này", ông Hoài đánh giá.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, chúng ta xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu lấy công làm lãi. Như chỉ với mức thuế trần 10% của Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp gỗ đã phải đôn đáo đàm phán với các đối tác.
"Các đối tác thường phản hồi là "cưa đôi", mỗi bên chịu một ít. Nhưng các doanh nghiệp với mức lãi suất thường ở dưới 5% làm sao có thể chịu được? Chưa nói đến mức thuế 46%", đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nói.
Bên cạnh đó, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang "bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ". Theo đó, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm "Made in Việt Nam" đến hơn 200 thị trường, riêng ngành gỗ xuất khẩu đến hơn 160 thị trường.
Song như năm 2024, sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường Mỹ đến hơn 56%. Tức nếu chúng ta làm ra 10 cái ghế thì gần 6 cái xuất khẩu vào Mỹ. Và chỉ cần vài cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp… của Mỹ, lập tức các doanh nghiệp gỗ đều không có sức chống chọi, có thể lâm vào việc mất thanh khoản.
Trung bình cứ 10 cái ghế doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thì có 6 chiếc xuất vào thị trường Mỹ (Ảnh minh hoạ)
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần ưu tiên chất lượng tăng trưởng hơn so với số lượng. Như với ngành gỗ, doanh nghiệp có thể làm ít hơn song phải nâng phần được hưởng, tăng biên độ lợi nhuận cao hơn.
"Các doanh nghiệp "không bỏ trứng một giỏ", xuất khẩu đi nhiều thị trường, vừa xuất khẩu vừa nội địa có thể chống chịu tốt với địa chấn thuế quan", ông Hoài nói.
Cần cơ chế cho doanh nghiệp tăng trưởng
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nói về tầm quan trọng của cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo ông Hiệp, năm 2025 có đầu tư công lên 97 tỷ USD. Nếu các doanh nghiệp xây dựng được tham gia sâu trong các dự án đầu tư công thì đây sẽ là cơ hội hơn. Như với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư là hơn 67 tỷ USD, dự kiến cuối 2026 sẽ khởi công, với 1.541 km đường sắt, 21 tỉnh thành có nhà ga, riêng phần xây dựng chiếm khoảng 40 tỷ USD.
"Với 1.541 km đường sắt tốc độ cao có tổng mức đầu tư 67 tỷ USD, nếu chia ra làm khoảng 20 gói thầu thì mỗi gói thầu khoảng 2 tỷ USD, tương đương hơn 50.000 tỷ đồng", ông Hiệp nhấn mạnh đây là cơ hội lớn song cho biết đây cũng là thách thức không hề nhỏ. Bởi để có thể nhận thầu, các doanh nghiệp phải đảm bảo yếu tố năng lực tài chính.
Ông Hiệp đề nghị Chính phủ có giải pháp phân chia các gói thầu để doanh nghiệp Việt có thể làm được. Bản phân các doanh nghiệp sẽ tổ chức cơ chế tổ hợp các nhà thầu - tức 5,6 nhà thầu có một nhà thầu chủ trì, còn lại sẽ liên kết với nhau.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam
"Chúng tôi kiến nghị giao hết phần xây dựng cho các doanh nghiệp nội, thậm chí chỉ định thầu. Thay vì các doanh nghiệp nội làm nhà thầu phụ cho nước ngoài", Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nói.
Bên cạnh cơ chế, ông Hiệp cũng cho rằng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục hiện nay vẫn cần đến 5-6 con dấu, khiến doanh nghiệp tốn kém thời gian, chi phí. Ông Hiệp đề nghị rút gọn còn một dấu và cải thiện quy trình tiếp thu ý kiến xây dựng luật, nhằm tăng tính minh bạch, phù hợp thực tiễn.
Về vấn đề này, phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết theo khảo sát trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo.
Mặc dù đã có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng với số lượng không nhỏ doanh nghiệp đang suy giảm niềm tin vào thị trường như hiện nay, mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2023 đang là thách thức rất lớn.
Cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh do chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.
Do đó, để có thể bứt phá trong năm 2025, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!