Linh hoạt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã cập nhật diễn biến tình hình kinh tế thế giới quý I.
Thống đốc đánh giá tăng trưởng toàn cầu chậm lại, rủi ro lạm phát gia tăng do căng thẳng thương mại toàn cầu. Sau khi sắc thuế đối ứng được công bố, JP Morgan dự báo lạm phát của Mỹ có thể tăng thêm 1,5%.
Theo đó lộ trình giảm lãi suất của Fed chậm lại và chính sách tiền tệ thế giới đang phân hoá. Một số ngân hàng trung tướng đã tạm dừng cắt giảm lãi suất và khi Mỹ áp thuế, một số đối tác thương mại lớn cũng đã công bố áp thuế trả đũa.
Điều này chắc chắn sẽ làm biến động tài chính tiền tệ thế giới cũng như trong nước phức tạp, tạo ra áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất cũng như việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên năm 2025.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Ở trong nước, quý I nền kinh tế có những diễn biến tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã tăng 6,2%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư toàn xã hội cũng tăng trưởng 8,3%, vượt mức 5,5% của năm trước, cho thấy cải thiện ở hai trụ cột quan trọng này. Tuy nhiên, xuất khẩu và dòng vốn FDI giải ngân có mức tăng thấp hơn, khiến GDP quý I tăng 6,93% - mức cao nhất từ quý I năm 2020.
"Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thì chúng ta phải cố gắng rất nhiều", Thống đốc đánh giá.
Về điều hành chính sách tiền tệ, đối với tín dụng, ngay từ đầu năm 2025, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng 16% và thông báo hết cho các tổ chức tín dụng để chủ động trong hoạt động này. Tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93% gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước cho thấy đóng góp tích cực tổng đầu tư toàn xã hội trong thời gian vừa qua của ngành Ngân hàng. Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi, nếu lạm phát kiểm soát ở mức thấp có thể linh hoạt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2025, đồng hành để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, cao hơn so với mức tăng trưởng đạt được trong năm 2024 là 15,08% và ở mức cao so với nhiều năm gần đây. Tính riêng trong năm 2024, đã có hơn 2,1 triệu tỷ đồng bơm ra nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng. Với chỉ tiêu định hướng ở mức 16% năm 2025, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bơm ra nền kinh tế.
Giải pháp với thời điểm và liều lượng hợp lý
Về lãi suất, sau khi một số NHTM tăng lãi suất huy động, NHNN đã tổ chức cuộc họp và sau đó các ngân hàng điều chỉnh giảm. Mặt bằng lãi suất huy động mới chỉ tăng 0,08%, trong khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Đối với tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, đây là vấn đề tất cả các doanh nghiệp rất quan tâm. Về phía NHNN đã theo dõi sát sắc thuế và nhận thấy sự khác biệt so với những lần trước. Cụ thể, lần này sắc thuế dựa trên thặng dư thương mại của 57 quốc gia, không đề cập rõ đến vấn đề tiền tệ. NHNN nhận thấy các giải pháp thương mại đưa ra từ các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất phù hợp.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá diễn biến tỷ giá phức tạp, khó lường thể hiện rõ sau khi sắc thuế đối ứng được công bố, ngày đầu tiên tỷ giá tăng lên thêm 0,6%. Nhất là khi đối tác thương mại áp dụng trả đũa chắc chắn thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp hàng ngày hàng giờ.
"NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điểm và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hoà sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ định hướng điều hành.
Mặt bằng lãi suất huy động mới chỉ tăng 0,08%, trong khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024
Về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, Thống đốc cho biết, Ban lãnh đạo NHNN vừa họp tổng kết Quyết định 689 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025".
Trong đó NHNN đã hoàn thành việc chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Tuy nhiên cũng còn một số vấn đề cần hỗ trợ. Đó là khi phê duyệt đề án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ thống nhất các giải pháp hỗ trợ áp dụng theo Luật Tổ chức tín dụng cũ và những giải pháp hỗ trợ theo luật Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 xem xét và trình sau.
"Hiện NHNN có đề nghị và mong bộ, ngành đặc biệt là Bộ Tư pháp quan tâm ủng hộ để có giải pháp hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nhanh hơn", Thống đốc bày tỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!