Thiên nhiên mang về tiền thật
Tháng 3/2024, Việt Nam thu về hơn 51 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới qua chương trình giảm phát thải, nhờ giảm 10,3 triệu tấn CO2 tại 6 tỉnh. Thiên nhiên có thể mang về tiền thật, nhưng nhiều dự án xanh vẫn không đủ điểm xanh để thế chấp vay vốn.
Như tại Uông Bí, Quảng Ninh, Công ty Cổ phân đầu tư và Xây dựng Việt Long đang vận hành nhà máy xử lý rác thải rắn công nghệ cao và sản xuất nông sản an toàn theo mô hình tuần hoàn. Dù tính năng rõ ràng, song doanh nghiệp này vẫn loay hoay huy động tín dụng xanh.
Ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư và Xây Dựng Việt Long
Phát biểu tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh", ông Lê Quang Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư và Xây Dựng Việt Long đánh giá, tín dụng xanh được coi là hướng đi tất yếu để thúc đẩy tăng trưởng bền vững nhưng theo nhận thức của tôi cho đến thời điểm hiện tại tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với kỳ vọng. Hiện dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế.
"Đối với một doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh gần như là một việc quá xa vời", ông Thắng nhận định.
Lý giải cho điều này, ông Thắng cho biết, ngân hàng có thể không đưa được doanh nghiệp vào danh mục "Xanh" vì chưa có tiêu chí xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực. Nên khi làm việc với ngân hàng chúng tôi không thể tiếp cận được vốn ưu đãi.
"Làm về nông nghiệp, môi trường thì giá trị kinh tế không giống như sản xuất công nghiệp. Dù có giá trị thặng dư tương đối lớn nhưng không được sử dụng tài sản của dự án để vay vốn mà phải dùng tài sản khác của chủ đầu tư khi thế chấp. Hiện các tổ chức tín dụng không nhận thế chấp đất đi thuê", ông Thắng cho biết thêm.
Tin dụng xanh không phải là nguồn vốn giá rẻ
Cũng theo một số phân tích, quyết định cấp tín dụng không chỉ nằm ở phía các ngân hàng, mà còn đến từ các doanh nghiệp. Hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn lập hồ sơ vay vốn theo kiểu truyền thống, chưa trang bị đầy đủ những chứng nhận, báo cáo quy trình vận hành xanh cần thiết… Kết quả là điểm xanh của các dự án không đủ sức thuyết phục với người thẩm định.
TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, thực hiện các khảo sát theo từng năm, ông Minh nhận ra rằng, có sự gia tăng về nhận thức của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức quan tâm hoặc có định hướng bước đầu.
Có đến 64% doanh nghiệp chưa thực hiện bất kỳ hành động chuyển đổi xanh nào, trong khi chỉ khoảng 5,5% doanh nghiệp đã cắt giảm phát thải trong một số hoạt động và 3,8% đã theo dõi, công bố kết quả giảm phát thải.
"Những con số này cho thấy phần lớn doanh nghiệp vẫn ở giai đoạn chuẩn bị, chưa chuyển sang hoạch định hoặc thực thi các giải pháp xanh cụ thể", ông Minh nói.
TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)
Về rào cản chuyển đổi xanh, kết quả khảo sát cho thấy thiếu vốn đầu tư là thách thức lớn nhất, được 50% doanh nghiệp lựa chọn. Tiếp theo là thiếu nhân sự kỹ thuật phù hợp (46%) và thiếu giải pháp công nghệ xanh (42%). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, hồ sơ kỹ thuật và yêu cầu từ ngân hàng, khiến họ khó đáp ứng tiêu chí tiếp cận tín dụng xanh.
Nội lực của doanh nghiệp tư nhân không vững chắc trong bối cảnh chịu áp lực áp lực chuyển đổi sẽ tạo ra khó khăn kép đối với doanh nghiệp.
"Chúng ta phải hiểu rõ tín dụng xanh không phải là nguồn vốn giá rẻ, mà là dòng vốn già. Bởi khi chúng ta chuyển đổi sang các mô hình tăng trưởng tích hợp đa tầng các nguồn vốn, tín dụng xanh phải là nguồn vốn dài hạn", ông Minh cho biết.
Cần một khung pháp lý thống nhất
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, tài chính xanh trong đó có tín dụng xanh, không phải là một vấn đề mới nhưng ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các quốc gia trên thế giới cũng như của Việt Nam
Theo Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/12/2024, đã có 48 tổ chức tín dụng cho vay với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%).
Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017 - 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Đến nay, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,6 triệu tỉ đồng, tăng trên 26% so với cuối năm 2023.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú
Phó Thống đốc cho biết trên thực tế, các ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn như: Chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia, quy định chung về ESG để các doanh nghiệp thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngày càng khắt khe; Công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng…
"Những "nút thắt" đó đòi hỏi một cách tiếp cận mới – toàn diện hơn, linh hoạt hơn và đồng bộ hơn giữa chính sách - thị trường - hành lang pháp lý", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Để giải quyết thách thức này, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, bao gồm 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện chính sách tín dụng, hợp tác quốc tế, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, truyền thông, thành lập diễn đàn tài chính xanh và thúc đẩy mua sắm xanh trong khu vực công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!