Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại
Sau thời gian trầm lắng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại, mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong hai tuần qua, giá gạo 5% tấm đã quay về mốc 400 USD/tấn - gần bằng mức của Thái Lan (401 USD) và cao hơn so với Ấn Độ 4 USD.
Dự báo trong vài phiên tới, giá gạo Việt có thể tiếp tục duy trì mức trên 400 USD, góp phần khiến thị trường sôi động hơn sau thời gian chững lại.
Mỗi năm, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 120.000 tấn gạo sang hai thị trường chính là Philipines, Trung Quốc. Vụ Đông Xuân 2024-2025, doanh nghiệp đang trữ khoảng 16.000 tấn gạo và hơn 12.000 tấn lúa. Nhiều thương nhân nước ngoài đã liên hệ đàm phán giá hợp đồng nhưng doanh nghiệp vẫn chưa có ý định bán ra, bởi tín hiệu thị trường đang tốt.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Phước Thành IV, Vĩnh Long cho biết: "Sau khi giá xuống sâu, doanh nghiệp tập trung mua vào để bình quân được giá. Đến giờ này, giá cũng tương đối có lời nhưng cũng chưa được tốt. Hi vọng sắp tới, giá thêm được từ 10-50 USD/tấn sẽ tốt hơn".
Vụ Đông Xuân cơ bản đã kết thúc, lượng lúa trong người dân còn lại rất ít nên áp lực tiêu thụ không lớn như trước. Trong khi vụ Hè Thu phải đến tháng 7, tháng 8 mới có lúa trở lại. Vì vậy, khoảng trống này người mua vẫn rất cần và giá sẽ tốt hơn.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nêu ý kiến: "Gạo trắng thơm đã lên đến 500 - 510 USD. Thực ra trong nước giá gạo còn cao hơn, khoảng 12.500 đồng cũng không ai bán, thậm chí 12.800 đồng. Các doanh nghiệp kỳ vọng phải vượt qua 13.000 đồng cho gạo trắng thơm 5% tấm. Chắc chắn ở mức 500 USD thì chúng ta giữ được".
Hiện nay trên thị trường xuất khẩu có ba loại là gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cao cấp. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo chất lượng cao, chiếm 60 - 70%, gạo cao cấp chiếm khoảng 15%. Thống kê cho thấy, gạo thơm của Việt Nam nhận được sự tin dùng của khách hàng mà hiếm có quốc gia nào có được sản lượng lớn để cung cấp. Đây cũng là lợi thế giúp gạo Việt giữ vững được thị phần và giá cả.
Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo chất lượng cao, chiếm 60 - 70%, gạo cao cấp chiếm khoảng 15%
Để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững
Hạt gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ - một con số đáng tự hào. Nhưng để hạt gạo không chỉ đi xa, mà còn có thể gắn bó lâu dài và có giá trị cao, bài toán đặt ra lúc này là định vị giá trị bền vững cho sản phẩm.
Đây không chỉ là kỳ vọng của bà con trồng lúa, mà còn là mục tiêu của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Thách thức là không nhỏ, nhưng cũng mở ra cơ hội để ngành gạo Việt phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định: "Đối với doanh nghiệp, mong muốn lớn nhất là sản phẩm phải có thương hiệu. Thứ hai là phải tạo ra sự khác biệt, không giống các nước khác. Thứ ba là phải có thị trường để bán được sản phẩm đó. Thứ tư là sự đồng hành, bắt đầu từ người nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, Chính phủ. Khi đồng hành đó tạo thành cộng hưởng lớn thì chúng ta sẽ tạo ra sự đột phá lớn".
Ông Trương Mạnh Linh - Giám đốc điều hành Ngành gạo, Tập đoàn Tân Long chia sẻ: "Chúng ta cần phải đi vào những thị trường tiêu chuẩn cao hơn. Nếu chúng ta không mở rộng phân khúc thương hiệu này thì bài toán của gạo Việt Nam trong thời gian tới đây khi các nước đẩy mạnh an ninh lương thực của nước họ, giảm phụ thuộc vào các nước xuất khẩu lớn như chúng ta thì rất khó để giải được".
Bà Trần Thu Hà - Giám đốc Dự án Chuyển đổi Chuỗi giá trị lúa gạo – TRVC đưa ra nhận định: "Chúng tôi đang làm việc với Hiệp hội ngành hàng lúa gạo cũng như Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Môi trường để xây dựng một quy trình chứng nhận gạo xanh, carbon thấp. Ở những bước đầu, doanh nghiệp có thể sử dụng hồ sơ này để làm việc với các đối tác thương mại của mình để thương thuyết về giá cả cũng như truy xuất nguồn hàng".
Đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp" được triển khai thí điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long
Niềm vui trên cánh đồng 1 triệu ha
Không chỉ mở rộng thị trường, hạt gạo Việt Nam đang từng bước chinh phục phân khúc cao cấp hơn - đó là gạo đạt chứng nhận giảm phát thải.
Đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp" được triển khai thí điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long chính là nền tảng cho định hướng này.
Từ những cánh đồng trĩu hạt đến niềm vui của những người nông dân, mô hình này không chỉ giảm đáng kể phát thải khí nhà kính ra môi trường, mà còn mở ra tương lai bền vững cho cả chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo.
Anh Lộc đang thu hoạch 7 ha lúa trong Đề án. Điều khiến anh phấn khởi nhất là năng suất đạt ngoài mong đợi. Từ chỗ bà con còn khá bỡ ngỡ với việc tiếp cận theo quy trình canh tác mới nay đã rất thành thục nên giảm đáng kể chi phí đầu vào, đồng nghĩa với lợi nhuận được tăng lên.
Ông Phạm Văn Lộc - Xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang cho biết: "Giảm được chi phí, tăng lợi nhuận và tăng chất lượng gạo. Nói về năng suất, năng suất này rất cao so với đối chứng, so với đối chứng cao hơn khoảng một 200 kg/ha".
Tham gia mô hình, bà con còn được hỗ trợ một phần vật tư nông nghiệp và tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến, giúp phát huy tối đa hiệu quả vật tư đầu vào. Sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường nhờ chất lượng tốt.
Ông Trương Duy Hải - Phó Tổng Giám đốc Công ty Lương Thực A An nhận định: "Đơn vị sẽ hỗ trợ cho bà con từ 300 đến 500 đồng/kg lúa nếu tuân thủ đúng theo những quy trình về kiểm soát dư lượng. Tại vì ngay từ đầu vụ, mình đã ký kết những hợp đồng liên kết tiêu thụ cho nên tới cuối vụ, chúng ta chỉ thu hoạch và giao sản phẩm đến cho công ty".
Năm nay, tỉnh An Giang sẽ sản xuất 44.000 ha lúa theo Đề án, trải rộng tại 11 huyện, thị xã, Thành phố. Đây là nền tảng để giúp bà con làm quen dần với quy trình và thấy được hiệu quả cụ thể theo cách "tai nghe mắt thấy" để chủ động áp dụng vào sản xuất.
Ông Trần Minh Nhựt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang nêu ý kiến: "Tuyên truyền cho bà con nhân dân để phối hợp với nhau thực hiện cho đạt chương trình 1 triệu ha lúa của tỉnh đã đề ra".
Ông Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định: "Đối với chất lượng lúa gạo của tỉnh An Giang, chúng tôi đã có chỉ đạo để giao cho Sở Khoa học - Công nghệ và các ngành để nghiên cứu một loại giống lúa gạo mới, đáp ứng Đề án 1 triệu ha lúa, gắn với chất lượng cao và gạo giảm phát thải".
Ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nhân rộng ra 200.000 ha trong năm nay. Đề án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo nghề trồng lúa theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!