Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đặt mục tiêu đến năm 2030 tổng công suất nguồn toàn hệ thống ước đạt trên 183.000MW, quy hoạch cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo với tỷ lệ điện tái tạo không tính thủy điện, dự kiến chiếm 28 - 36%. Trong đó, chính thức triển khai và đưa vào vận hành 2 nhà máy điện hạt nhân.
Theo các kịch bản tăng trưởng đề ra, đến năm 2030, công suất nguồn toàn hệ thống sẽ tăng hơn 2 lần hiện nay, tức mỗi năm cần đưa trên 10.000 MW nguồn điện mới vào vận hành. Với việc chú trọng phát triển các dự án năng lượng tái tạo, các nguồn điện mới, đến năm 2030 cũng sẽ đưa vào vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với quy mô từ 4.000 đến 6.400 MW, góp phần đảm bảo nguồn điện nền ổn định cho hệ thống trong giai đoạn tới.
Ông Hong Sun - Chủ tịch Danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: "Hầu như tất cả các lĩnh vực đang rất cần nhiều năng lượng. Chính vì thế sự nỗ lực để thúc đẩy phát triển năng lượng là điều hết sức cần thiết và rất đúng thời điểm".
Theo đánh giá, việc việc bổ sung các nguồn năng lượng sạch, điện hạt nhân là phù hợp và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong giai đoạn tới. Tuy nhiên với khoảng thời gian hơn 5 năm để triển khai thì bên cạnh các giải pháp công nghệ, còn là quy trình đầu tư cần được điều chỉnh cho phù hợp.
PGS.TS Vương Hữu Tấn - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: "Phải quy định rất cụ thể về các loại giấy phép cho nhà máy điện hạt nhân cần phải có, từ địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành thử, vận hành chính thức… đấy là những giấy phép rất quan trọng để cho chủ đầu tư biết để người ta hoàn thiện và cơ quan quản lý thẩm định, trên cơ sở đó sẽ ban hành được các giấy phép để cho họ triển khai, tránh bị kéo dài thời gian do thủ tục pháp lý của ta làm chậm".
Để hoàn thành các mục tiêu mà bản Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã đề ra, theo ước tính tổng vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2026 - 2030 sẽ cần khoảng 136 tỉ USD, trung bình mỗi năm là 27 tỉ USD. Do vậy việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để giảm áp lực cho nền kinh tế, đang là yêu cầu đặt ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!