Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 20-22% giá trị thương mại điện tử toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng gấp 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường. Đây là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất Việt Nam khi sở hữu nguồn nhân lực dồi dào, sản phẩm đa dạng và chính sách hỗ trợ ngày càng cởi mở.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, có 53% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử. Doanh thu xuất khẩu qua kênh bán hàng này chiếm khoảng 10-20% và đang có nhiều tín hiệu tốt khi người tiêu dùng quốc tế ngày càng tăng đặt hàng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, nhiều ngành hàng của Việt Nam đang tận dụng tốt thương mại điện tử xuyên biên giới để giữ đà tăng trưởng. Ảnh minh họa.
Theo Bộ Công Thương, đã có hơn 350.000 nhà bán hàng Việt Nam tham gia bán hàng toàn cầu trên nền tảng Shopee, quảng bá hơn 15 triệu sản phẩm đến thị trường quốc tế. Hơn 17 triệu sản phẩm Made in Việt Nam đã được bán qua sàn Amazon, giá trị xuất khẩu tăng 50%. 100 doanh nghiệp tham gia Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn Alibaba cũng liên tục nhận được đơn đặt hàng.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho hay: "Doanh nghiệp chỉ cần có những sản phẩm tốt và có kỹ năng thì hoàn toàn có thể xuất khẩu qua thương mại điện tử. Liên quan đến logistics, kết nối với khách hàng sẽ do sàn thương mại điện tử làm. Với hàng trăm triệu khách hàng, đây là kênh hết sức tiềm năng cho doanh nghiệp Việt để có thể xuất khẩu".
Trong bối cảnh hội nhập, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tận dụng ưu đãi từ các FTA, giảm bớt rủi ro khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Bởi theo dự báo, doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử ở Việt Nam có thể tăng lên 5,5 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 9%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!