Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 4/12 công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế, trong đó nêu rõ kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng ổn định trong hai năm tới nếu chủ nghĩa bảo hộ không làm chệch hướng đà phục hồi thương mại toàn cầu.
Theo OECD, kinh tế thế giới được dự đoán sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2024 và 3,3% trong cả năm 2025 và 2026 trong bối cảnh lạm phát giảm, tăng trưởng việc làm và lãi suất hạ sẽ giúp bù đắp cho chính sách thắt chặt tài khóa ở một số quốc gia.
Dự báo này gần như trùng khớp với đánh giá hồi tháng 9/2024 của tổ chức này, khi đó OECD dự báo mức tăng trưởng 3,2% cho năm nay và năm 2025, chưa có dự báo cho năm 2026.
Sau khi chững lại trong năm 2023, thương mại toàn cầu đang phục hồi và khối lượng giao dịch dự kiến đạt mức tăng 3,6% vào năm 2025, bất chấp số lượng các biện pháp hạn chế nhập khẩu ngày càng tăng.
OECD cảnh báo căng thẳng thương mại gia tăng và các động thái hướng tới chủ nghĩa bảo hộ có thể phá vỡ chuỗi cung ứng, đẩy giá tiêu dùng lên cao và tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Ảnh min họa - (Ảnh: AFP/TTXVN)
Triển vọng thương mại toàn cầu trở nên ảm đạm hơn khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đẩy mạnh kêu gọi tăng thuế quan đối với nhiều đối tác thương mại lớn.
Khi thị trường việc làm hạ nhiệt khiến chi tiêu tiêu dùng giảm tốc, OECD dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm từ 2,8% năm nay xuống 2,4% năm 2025 và 2,1% năm 2026.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm từ 4,9% năm 2024 xuống 4,7% năm 2025 và 4,4% năm 2026, bất chấp việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa. Chi tiêu tiêu dùng vẫn trì trệ do người dân tích trữ tiền mặt phòng ngừa rủi ro.
Trong khi đó, tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hoạt động đầu tư sẽ được hưởng lợi từ việc ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách và thị trường lao động thắt chặt sẽ hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng, đẩy tăng trưởng từ 0,8% năm nay lên 1,3% năm 2025 và 1,5% năm 2026.
Tăng trưởng của Anh dự kiến sẽ tăng từ 0,9% năm nay lên 1,7% năm 2025 do thu nhập thực tế tăng và chi tiêu công tăng, giúp bù đắp tác động của việc tăng thuế, trước khi giảm xuống 1,3% năm 2026.
Nhờ các biện pháp kích thích kinh tế, Nhật Bản được dự báo sẽ phục hồi từ mức giảm 0,3% năm nay lên mức tăng trưởng 1,5% năm 2025, trước khi giảm xuống 0,6% năm 2026.
OECD khuyến nghị trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, hầu hết các ngân hàng trung ương lớn nên tiếp tục thận trọng nới lỏng chính sách tiền tệ, trừ Nhật Bản.
Với tình hình tài chính công đang gặp khó khăn ở hầu hết các quốc gia, OECD cho rằng các chính phủ cần hành động quyết liệt để ổn định gánh nặng nợ công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!