Ngành sản xuất tại Mỹ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu
Reshoring là thuật ngữ chỉ quá trình đưa hoạt động sản xuất, gia công hoặc dịch vụ từ nước ngoài trở về lại quốc gia gốc, nơi công ty đặt trụ sở chính. Đây cũng chính là một trong những cam kết cốt lõi trong chiến lược kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuần này công ty chip bán dẫn hàng đầu của Mỹ Nvidia đã tuyên bố sẽ đầu tư 500 tỷ USD để sản xuất chip AI và siêu máy tính tại các bang Arizona và Texas - ngay trên đất Mỹ. Đây là một thành tựu lớn của chính sách đưa sản xuất về lại nước Mỹ. Nhưng đó là với ngành sản xuất chip bán dẫn, còn rất nhiều những ngành công nghiệp, sản xuất thiết yếu khác, liệu có dễ để nội địa hoá 100% không?
Đã gần 2 tuần trôi qua kể từ ngày chính quyền Mỹ công bố thuế đối ứng lên hơn 180 đối tác thương mại. Trong tuần vừa rồi, Mỹ đã tuyên bố sẽ cân nhắc hoãn áp thuế lên mặt hàng ô tô. Ngay lập tức cổ phiếu của các hãng ô tô lớn tại Mỹ và cả châu Á đều bật tăng. Đây là tin vui với doanh nghiệp sản xuất ô tô trên thế giới và cũng là tin tốt với người tiêu dùng Mỹ.
Vì theo số liệu từ Nhà Trắng, năm 2024, có 16 triệu chiếc xe ô tô các loại được bán ra ở Mỹ, thì có tới 8 triệu xe là nhập khẩu từ nước ngoài. Hoãn thuế nghĩa là ít nhất lúc này người Mỹ mua ô tô ngoại giá cũng chưa tăng.
Đồ vật tiếp theo cũng quan trọng không kém trong các hộ gia đình của Mỹ là nội thất. Đơn cử như chiếc ghế sofa. Mới đây, tờ Washingtonpost đã lấy ý kiến một số doanh nghiệp nội thất của Mỹ. Những chiếc sofa dù đã nội địa hoá tối đa, nhưng tới 60% vải hay da bọc ngoài vẫn phải nhập khẩu từ các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, hay Việt Nam. Hay như những chiếc lò xo, hoặc cơ chế máy móc ngả lưng ghế cũng nhập khẩu rất nhiều.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất xe SUV của Hãng General Motors Co. ở Arlington, Texas, Mỹ. (Ảnh: TTXVN)
Nước Mỹ có ngành sản xuất nội thất trong nước phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, vẫn không thể thiếu yếu tố nhập khẩu. Kể cả khi chỉ là những chi tiết nhỏ. Bên cạnh đó, theo các thống kê, dường như ngành sản xuất tại Mỹ đang suy giảm.
Theo Cục thống kê dân số Hoa Kỳ, từ năm 2002 -2022, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất của rất nhiều ngành công nghiệp phụ trợ tại Mỹ đã suy giảm. Không chỉ trong ngành ô tô hay nội thất, mà hàng chục ngành quan trọng khác như máy móc, dệt may, điện tử và máy tính, thiết bị vận tải.
Năm 1970, có tới 1/3 lực lượng lao động của Mỹ làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp. Giờ đây, con số đó chỉ khoảng 1/10 tổng lực lượng lao động.
Những thách thức trong việc củng cố ngành sản xuất tại Mỹ
Nếu muốn ngành sản xuất nội địa hưởng lợi, Chính phủ cần giữ thuế quan ở mức thấp nhất có thể, để các sản phẩm chưa hoàn thiện có thể vào Mỹ với chi phí thấp. Ảnh minh họa.
Theo ký ức của nhiều người Mỹ sinh ra vào những năm 1950, 1960, Mỹ từng là công xưởng của thế giới, nơi những dây chuyền lắp ráp ồn ào tạo ra vô số hàng hóa, từ ô tô, thép cho đến đồ gia dụng. Hiện quốc gia này đang chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế dịch vụ. Vậy, việc đưa sản xuất trở lại nước Mỹ sẽ gặp những thách thức nào?
Ông Jordan Belfort - Chuyên gia tài chính Mỹ cho biết: "Nước Mỹ đã mất 40 năm ở trong tình trạng sản xuất suy thoái như thế này, nên vấn đề sẽ không thể giải quyết chỉ trong 4 ngày hay 4 tháng đâu. Bạn biết đấy, không thể xây nhà máy nhanh đến thế được".
"Chuỗi cung ứng hiện nay vô cùng phức tạp. Hàng hóa không chỉ được nhập khẩu khi đã là sản phẩm hoàn chỉnh. Chúng thường được nhập khi còn dang dở và sau đó mới được lắp ráp cuối cùng tại Mỹ. Nếu muốn ngành sản xuất nội địa hưởng lợi, Chính phủ cần giữ thuế quan ở mức thấp nhất có thể, để các sản phẩm chưa hoàn thiện có thể vào Mỹ với chi phí thấp và từ đó giá trị có thể được tạo ra trong thị trường nội địa ở mức cao nhất. Nếu tăng thuế, hàng hóa chưa hoàn chỉnh cũng sẽ đắt lên - điều đó khiến các nhà sản xuất trong nước khó có thể sản xuất ngay tại Mỹ", ông Victor De Decker - Nghiên cứu viên, Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia Egmont (Bỉ) nhận định.
Ông Kevin Nicholson - Giám đốc Đầu tư, Quỹ Riverfront cho hay: "Kể cả khi bạn đem được dây chuyền sản xuất về lại nước Mỹ, cũng chưa chắc là đã tạo ra được công ăn việc làm cho người lao động Mỹ. Vì các dây chuyền sản xuất hiện nay đang dần tự động hoá, robot làm hết các việc".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!