Ngay sau tuyên bố của ông Trump, ngay lập tức đã có những phản ứng từ các quốc gia bị áp thuế. Ví dụ như Trung Quốc, thông tin mới nhất là Bắc Kinh đã đề nghị Washington huỷ bỏ kế hoạch áp thuế trên và Trung Quốc khẳng định cũng sẽ có những biện pháp trả đũa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khi trả lời phỏng vấn kênh Bloomberg, đã khuyên các đối tác thương mại của Mỹ hãy kiềm chế, đừng trả đũa, và chờ đàm phán. Ông Bessent ngụ ý rằng nếu các quốc gia khác đáp trả bằng các biện pháp thuế quan riêng, tình hình có thể leo thang xa hơn nữa. Bộ trưởng Bessent cũng nhấn mạnh là về khả năng các cuộc đàm phán thì vẫn phải chờ xem.
Thế giới phản ứng thận trọng với thuế quan đối ứng của Mỹ
Chính phủ Vương quốc Anh cho biết, Mỹ vẫn là "đồng minh thân cận nhất" của Anh. Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds cho biết Anh hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại để "giảm thiểu tác động" của mức thuế 10% đối với hàng hóa của Anh do ông Trump công bố. Ông Reynolds nói: "Không ai muốn một cuộc chiến thương mại và ý định của chúng tôi vẫn là tìm kiếm một thỏa thuận. Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ bất kỳ biện pháp nào và chính phủ sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của Anh".
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni mô tả mức thuế 20% mới đối với Liên minh châu Âu (EU) là "sai lầm", cho rằng chúng không có lợi cho cả hai bên. Trong bài đăng trên Facebook, bà Meloni cho biết: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hướng tới một thỏa thuận với Mỹ nhằm tránh một cuộc chiến thương mại".
Chính phủ Brazil cho biết đang xem xét đưa vụ việc này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Và sau đó Quốc hội Brazil đã nhất trí thông qua dự luật đối ứng cho phép chính phủ trả đũa bất kỳ quốc gia hoặc khối thương mại nào áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của Brazil.
Các nước châu Á, nằm trong số những nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, đã cam kết sẽ hành động nhanh chóng để hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô và những doanh nghiệp khác có thể bị ảnh hưởng.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết ông Han Duck-soo, người đang giữ chức quyền Tổng thống Hàn Quốc, đã yêu cầu các quan chức làm việc với những tập đoàn doanh nghiệp để phân tích tác động tiềm tàng của mức thuế 25% mới nhằm "giảm thiểu thiệt hại".
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết: "Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức hủy bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết những bất đồng với các đối tác thương mại của mình một cách đúng đắn thông qua đối thoại bình đẳng".
Một số quốc gia đã lên tiếng phản đối các tính toán về thuế quan đối ứng của Nhà Trắng. Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết mức thuế mà Mỹ áp đặt đối với nước này là hoàn toàn không chính đáng, nhưng Australia sẽ không trả đũa. Thủ tướng Albanese cho rằng việc ông Trump gọi đây là thuế quan đối ứng là không đúng. Theo ông, nếu là đối ứng thì mức thuế phải là 0%, chứ không phải 10%. Ông nhấn mạnh, Mỹ và Australia có hiệp định thương mại tự do, và cán cân thương mại song phương giữa hai nước đang nghiêng về Mỹ.
New Zealand cũng phản đối cách tính thuế quan của ông Trump. Bộ trưởng Thương mại Todd McClay cho biết, nước này không áp mức thuế 20% với Mỹ như ông Trump nói. Quan chức này nói thêm rằng New Zealand có "một chế độ thuế quan rất thấp" và con số chính xác là dưới mức cơ bản 10% mà Mỹ áp dụng cho tất cả các quốc gia.
Về phản ứng, ông cho biết New Zealand sẽ không tìm cách trả đũa vì điều đó sẽ làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ, và gây lạm phát.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 2/4 cho biết bà sẽ đợi đến ngày 3/4 (giờ địa phương) để hành động khi biết rõ tuyên bố của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến Mexico như thế nào. Bà nhấn mạnh rằng Mexico không đặt nặng việc "ăn miếng trả miếng" về thuế quan, mà chú trọng đến việc tăng cường nền kinh tế nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!