Thuế quan là chủ đề kinh tế nổi bật nhất được nhắc tới trong hơn 1 tháng cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một loạt đòn thuế quan đã được Tổng thống Donald Trump công bố, một số trong đó đã hoặc sắp có hiệu lực, như mức thuế quan bổ sung 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, hay chỉ trong vài ngày nữa, thuế với hàng nhập khẩu của Canada và Mexico.
Cho đến thời điểm này, những phản ứng đầu tiên từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ với thuế quan đã bắt đầu lộ diện, thông qua các chỉ số kinh tế được công bố.
Một dữ liệu quan trọng là chỉ số Niềm tin tiêu dùng của tổ chức nghiên cứu Conference Board, đã giảm 7 điểm trong tháng 2 - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2021. Về phía các doanh nghiệp, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp được S&P Global khảo sát tại Mỹ cũng sụt giảm mạnh trong tháng 2. Đặc biệt, PMI lĩnh vực dịch vụ - vốn đóng góp gần 70% quy mô nền kinh tế số 1 thế giới, đã xuống dưới ngưỡng 50 điểm, lần đầu tiên rơi vào vùng thu hẹp trong 2 năm qua.
Cũng trong khảo sát của S&P Global, hầu hết doanh nghiệp đều tỏ ra lo ngại với giá cả hàng hóa tăng lên, nguyên nhân quan trọng nhất chính là thuế quan. Tối 28/2, chỉ số giá cả tiêu dùng cá nhân (PCE) cũng đã được công bố với mức tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù mức tăng lạm phát vẫn nằm trong dự báo, nhưng vẫn chưa thể tiếp cận gần với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, do đó cũng khiến triển vọng hạ lãi suất giảm đi.
Thị trường Mỹ mức xuống thấp nhất từ khi ông Trump nhậm chức
Thị trường chứng khoán Mỹ có phản ứng tích cực liên quan đến Tổng thống Trump.
Đó là những tín hiệu từ các chỉ số kinh tế. Với thị trường chứng khoán - vốn được xem là "phong vũ biểu" của nền kinh tế, cũng thường có phản ứng tích cực liên quan đến Tổng thống Trump, thuế quan dường như là cũng đã góp phần tạo ra nhiều biến động tại Phố Wall tuần vừa rồi.
Trong phiên giao dịch đêm qua, các chỉ số đã tăng nhẹ khi giới đầu tư phần nào lạc quan hơn với dữ liệu PCE tháng 1. Dù vậy đây vẫn tuần tồi tệ nhất của chỉ số S&P 500 từ tháng 9 năm 2024 đến nay, đã có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Trump nhậm chức hôm 20/1. Tính trong cả tháng 2 thì cả 3 chỉ số chính đều đi xuống, với Dow Jones và S&P 500 đều đi xuống trên 2%.
Tác động thuế quan tới thị trường Mỹ và Fed
Ngày giao dịch cuối cùng của tháng 2, dù phiên cuối cả 3 chỉ số đều tăng điểm nhưng không bù được các phiên mất điểm trong cả tháng. Ví dụ: chỉ số chuyên về công nghệ Nasdaq để mất 4% giá trị tháng này, trong đó riêng tuần này chiếm tới 3,5% trong mức giảm đó. Chỉ số S&P500 cũng chung hoàn cảnh.
Các nhà đầu tư tuần vừa qua lo ngại thời điểm áp thuế quan toàn diện đang đến gần. Riêng Canada và Mexico, ông Trump còn tuyên bố chắc chắn áp. Hàng hóa từ Trung Quốc cũng có thể bị áp tăng gấp đôi mức thuế chung 10%. Với các quốc gia khác thì chưa có tín hiệu tốt hơn.
Vì thế, nhà đầu tư đã tìm cách bán tháo chứng khoán để giảm rủi ro, với suy nghĩ thuế cao sẽ gây ra nhiều hệ lụy như giá cả hàng hoá sẽ tăng, sức mua giảm, doanh nghiệp làm ăn khó khăn hơn. Giá cao có thể làm lạm phát tăng trở lại, chính sách tiền tệ cũng sẽ thay đổi khi Fed sẽ phải cân nhắc hạ lãi suất chậm hơn.
Thuế quan - thử thách hay cơ hội cho nền kinh tế Mỹ?
Theo các chuyên gia, thuế quan sẽ có tác động tiêu cực lên người dân Mỹ.
Theo các chuyên gia, thuế quan sẽ có tác động tiêu cực lên người dân Mỹ, nhất là khi Canada, Mexico và Trung Quốc, những nước sẽ chịu thêm các sắc thuế mới kể từ đầu tháng 3 này cũng là 3 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Điều này phần nào lý giải cho phản ứng tiêu cực của thị trường về vấn đề thuế quan.
"Giữa 3 nước Mỹ - Canada - Mexico là một khối thương mại tích hợp, với rất nhiều hàng hóa và dịch vụ lưu thông. Do đó thuế quan với các nước này có thể nhanh chóng biến thành hàng tạp hóa, ô tô, xăng dầu đắt hơn với người tiêu dùng Mỹ, trước đó CPI cũng tăng vượt dự báo, khiến nhà đầu tư phải quan tâm đến lạm phát", ông Ben Mcmillan, hãng tư vấn tài chính IDX Advisors cho hay.
Theo Hiệp hội công nghệ tiêu dùng Mỹ, giá sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh hay máy tính xách tay có thể tăng từ 20-50% do thuế quan với các nước, đặc biệt là Trung Quốc vì Mỹ hiện phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu các sản phẩm này.
Không chỉ về tiêu dùng, mà sản xuất kinh doanh tại Mỹ cũng chịu tác động. Theo hãng tư vấn EY, việc đánh thuế nhập khẩu có thể gây thiệt hại lên tới 1,5% tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay, bởi nguyên vật liệu đầu vào tăng giá do thuế hay xuất khẩu ra nước ngoài chịu thuế trả đũa. Cũng có chuyên gia cho rằng, cần thận trọng đánh giá, bởi kịch bản xấu từ thuế quan mới chỉ nằm trong dự đoán, chưa phải chắc chắn.
Ông Olu Sonola – Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ, Fitch Ratings cho hay: "Bức tranh kinh tế Mỹ vẫn có những bất ổn ở bên trong, cả kinh doanh và tiêu dùng, lạm phát và tăng trưởng. Vấn đề thuế quan đang thay đổi từng ngày, không ai biết chắc điều gì sẽ đến vào tuần tới. Sự bất ổn đó có thể tiếp tục kéo dài chứ có kết cục nào chắc chắn. Nên tôi nghĩ người tiêu dùng và doanh nghiệp không nên quá lo lắng".
Chính phủ Mỹ lập luận, ảnh hưởng từ thuế quan hoàn toàn có thể được bù đắp nhờ các chính sách khác như giảm thuế thu nhập, hay việc các công ty lớn mở rộng đầu tư sản xuất tại Mỹ để tránh chịu thuế, như kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD mới đây của Apple. Hiệu quả của các kế hoạch này sẽ chỉ có thể kiểm chứng trong dài hạn, và cũng sẽ gặp thách thức từ thay đổi chuỗi cung ứng, và cả chính thuế quan với nguyên vật liệu đầu vào.
Tác động thuế quan tới thị trường Mỹ và Fed
Các chuyên gia cho rằng, năm nay, Fed chỉ có thể hạ lãi suất thêm 1 lần.
Có thể thấy là tác động hàng đầu từ thuế quan, theo các chuyên gia, chính là vấn đề giá cả và lạm phát, và Fed sẽ quan tâm đến vấn đề này.
Nhìn chung, Fed đang đứng trước bài toán phức tạp. Một bên lo ngại thuế quan cao khiến lạm phát tăng, khi đó khó hạ lãi suất thêm. Nếu không hạ thì không thúc đẩy được chi tiêu của người dân, kinh tế suy giảm. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tuần này cho thấy người Mỹ đang vun vén để giảm chi tiêu trong tương lai cho dù thu nhập có tăng.
Đứng trước bàn cân này, các chuyên gia cho rằng, riêng năm nay, Fed chỉ có thể hạ lãi suất thêm 1 lần. Quyết định này sẽ rơi vào cuộc họp tháng 6, với xác suất hạ tới giờ là 56,9%.
Cho đến lúc này thì vẫn còn quá sớm để khẳng định là thuế quan thật sự gây thiệt hại hay là có lợi cho nền kinh tế số 1 thế giới. Nhưng cả Fed, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ thì đã có những đánh giá đầu tiên, chắc chắn là họ cũng đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kịch bản xảy ra từ thuế quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!