Với vị thế thương mại cũng như sự phát triển của hạ tầng cảng biển, Việt Nam ngày càng đón được nhiều tàu hàng cỡ lớn. Tàu lớn đến mang theo nhiều lợi ích kinh tế. Thống kê trong 5 năm qua, số lượng tàu lớn vào các cảng biển nước sâu của Việt Nam đã tăng hơn 20%. Đóng góp vào ngân sách từ các loại phí tăng gần 700 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện chúng ta nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh khi không đón được các tàu lớn này.
Nếu 1 container 20 feet chở trên tàu 60.000 tấn thì sẽ mất khoảng 2.300 USD chi phí vào cảng. Nhưng cũng cùng 1 container 20 feet đó chở trên tàu 200.000 tấn thì sẽ chỉ mất hơn 1.000 USD chi phí vào cảng. Tức là chi phí chở bằng tàu to chỉ bằng gần 50% so với chở hàng bằng tàu nhỏ.
Mỗi tháng tại cảng đang đón tới hơn 33 tàu lớn 24.000TEU. Đồng nghĩa với chi phí bình quân của các hãng tàu đang giảm từ 25-30%, doanh thu và hiệu quả khai thác tại các cảng biển vì thế cũng tăng theo.
"Hàng hóa có thể qua các tàu mẹ đi thẳng về Việt Nam tới châu Âu và châu Mỹ, đây cũng là tiền đề để đưa Việt Nam trở thành một điểm trung chuyển lớn trong tương lai", ông Cao Hồng Phong - Phó Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Gemalink Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Lợi ích kinh tế lớn như vậy nhưng hiện một số cảng biển đang đứng trước nguy cơ thất thu vì luồng lạch không đáp ứng cho tàu lớn ra vào. Lấy ví dụ tại đoạn luồng từ phao số 0 vào đến khu bến Cái Mép - Thị Vải ở thời điểm hiện tại. Dù sau khi đã được nạo vét, đạt độ sâu 15,5m thì vẫn phải tận dụng thuỷ triều, con nước mới có thể đảm bảo an toàn cho các tàu lớn trên 200.000 tấn có thể vào, rời các bến cảng.
Ông Lâm Phạm Hải Điệp - Phó Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: "Một số tuyến luồng khác do không tìm được vị trí đổ chất nạo vét phù hợp cũng như không đủ kinh phí, không được duy tu hàng năm, không đảm bảo được độ sâu theo thiết kế, ảnh hưởng và hạn chế đến việc tàu có trọng tải lớn vào khai thác tại các bến cảng tại cảng biển đó".
"Nếu chúng ta không tiếp nhận được tàu lớn, ví dụ như trong khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu thì tàu lớn sẽ qua Singapore và nó sẽ tăng giá thành", ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng, kỹ thuật biển Portcoast thông tin.
Việt Nam đang có khoảng 30 tuyến dịch vụ tàu kết nối trực tiếp Mỹ và châu Âu, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lên tới gần 675 triệu tấn/năm. Nhưng nếu không sớm đầu tư nâng cấp hạ tầng tại các cảng biển nước sâu để tiếp nhận được tàu tải trọng lớn và siêu lớn thì sẽ lãng phí cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển hàng hải quốc tế và thất thu tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ các loại phí hàng hải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!