Hòa chung không khí sôi động của những ngày tháng lịch sử, sáng nay, 80 công trình, dự án trọng điểm đồng loạt được khởi công và khánh thành trực tuyến tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chỉ một từ đặc biệt để nói về sự kiện này: "một không khí đặc biệt, thời điểm đặc biệt và nỗ lực đặc biệt của cả hệ thống chính trị để có được thành quả đặc biệt và sự kiện đặc biệt này". Đây là nỗ lực phi thường để tạo nên những công trình ý nghĩa, nối tiếp khát vọng phát triển đất nước.
Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta có một lễ khởi công đồng loạt với quy mô lớn. Không chỉ là biểu tượng của sự phát triển, đổi mới mà còn là món quà tri ân sâu sắc gửi đến các thế hệ cha ông đã hy sinh vì sự độc lập, tự do của Tổ quốc.
Các công trình dự án được lựa chọn trải dải cả ba miền tại 34 tỉnh, Thành phố. Tổng số vốn đầu tư gần 450.000 tỷ đồng, đa dạng các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, công nghiệp, bệnh viện, trường học, thủy lợi, cơ sở hạ tầng số, ứng phó biến đổi khí hậu, văn hóa…
Khởi công nút giao vành đai 3.5 với Đại lộ Thăng Long
Tại Hà Nội, công trình nút giao giữa vành đai 3.5 và Đại Lộ Thăng Long huyện Hoài Đức sẽ là một trong những công trình giao thông trọng điểm được khởi công trong số 80 công trình sáng nay. Công trình này có tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng.
Từ sáng sớm nay, các thiết bị máy móc đã được chuẩn bị sẵn sàng. Dự án nút giao vành đai 3.5 được triển khai nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với hạ tầng giao thông hiện hữu. Phần quan trọng nhất của dự án chính là việc xây dựng hầm chui "trực thông" theo hướng từ Lê Trọng Tấn đi quốc lộ 32. Trong đó, tim tuyến trùng với tuyến đường Hoàng Tùng, được bố trí 4 làn xe với tổng chiều dài gần 1 km. Nút giao này đóng vai trò quan trọng kết nối giữa khu vực nội thành Hà Nội với các khu vực huyện ngoại thành, khu đô thị vệ tinh, các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, nút giao còn kết nối trực tiếp các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm của Thành phố Hà Nội như Hoài Đức, Hà Đông giúp cải thiện khả năng liên kết vùng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành sau 1.000 ngày kể từ khi bắt đầu khởi công.
Nút giao Vành đai 3.5 với Đại lộ Thăng Long là một công trình giao thông trọng điểm mang ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối các khu vực phát triển của Thủ đô Hà Nội. Với thiết kế hiện đại và khả năng giải tỏa áp lực giao thông, nút giao này hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi tích cực về kinh tế, hạ tầng và bất động sản.
Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong những công trình hạ tầng giao thông quan trọng nhất của TP. Hồ Chí Minh
Đồng loạt khởi công, khánh thành các công trình trọng điểm
Lễ khởi công và khánh thành sáng nay sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối đồng thời 80 công trình, dự án trọng điểm, tại cả 3 miền đất nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng đều có mặt ở các điểm cầu trọng điểm.
Trong đó điểm cầu chính diễn ra tại Nhà ga T3, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với sự tham dự của Thủ tướng.
Tại nhà ga T3 nơi tổ chức Lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm, những khâu chuẩn bị cuối cùng đã hoàn tất, sẵn sàng cùng với các điểm cầu khác tại 33 tỉnh thành cho chương trình truyền hình trực tiếp lớn nhất từ trước đến nay.
Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong những công trình hạ tầng giao thông quan trọng nhất của Thành phố. Nhà ga T3 đi vào hoạt động sẽ góp phần giải tỏa áp lực quá tải kéo dài nhiều năm tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngoài nhà ga T3, 5 công trình khác của TP. Hồ Chí Minh cũng đồng loạt khánh thành, khởi công trong hôm nay.
Còn trên cả nước tổng cộng sẽ có 80 công trình được đồng loạt khởi công, khánh thành trong ngày hôm nay. Có thể kể đến như: ở miền Tây là Lễ khởi công dự án xây dựng bệnh viện đa khoa Cà Mau, quy mô 1.200 giường bệnh; hợp long dự án cầu Rạch Miễu 2 (nối Tiền Giang và Bến Tre). Miền Trung: thông xe 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hay khởi công Nhà khách T2 Cảng hàng không Đồng Hới, Quảng Bình. Ở miền Bắc, khởi công nút giao Vành đai 3.5 với Đại lộ Thăng Long tại Hà Nội; hay khánh thành Bệnh viện Sản nhi tại Bắc Ninh…
Sự kiện khởi công - khánh thành hàng loạt công trình trọng điểm hôm nay sẽ là dấu mốc ý nghĩa, ghi nhận thành tựu to lớn của đất nước trong suốt 50 năm phát triển sau thống nhất, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành, cũng như các địa phương.
Dự án cầu Rạch Miễu 2 sẽ cùng hàng loạt các công trình khác, chính thức hợp long ngay trong sáng hôm nay
Nhiều dự án giao thông phía Nam vượt tiến độ
Trong số 80 công trình, dự án trọng điểm lần này, có tới một nửa là những công trình giao thông - những mạch nối mới, mở rộng không gian phát triển cho các địa phương. Đây là đều là những công trình, dự án vượt tiến độ trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện và hoàn thành. Từ đó, tạo thêm động lực tăng trưởng mới cho nhiều vùng miền trên cả nước.
Những mối nối cuối cùng đang dần được hoàn thiện. Dự án cầu Rạch Miễu 2 sẽ cùng hàng loạt các công trình khác, chính thức hợp long ngay trong sáng hôm nay.
Ông Cấn Mạnh Hùng - Chỉ huy công trường, Công ty Xây dựng và Lắp máy Trung Nam E&C cho biết: "Việc hợp long sớm sẽ tạo điều kiện cho nhà thầu có thời gian cho công tác hoàn thiện cầu kịp thời, sớm đưa dự án vào khai thác".
Nhiều năm nay, lưu thông giữa khu vực Tiền Giang và Bến Tre luôn bị tắc nghẽn do quá tải cầu Rạch Miễu 1. Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án. Đến thời điểm này, tiến độ thi công đã được rút ngắn 4 tháng so với kế hoạch.
Ông Nguyễn Nam Phong - Giám đốc Ban Điều hành dự án cầu Rạch Miễu 2 nêu ý kiến: "Phấn đấu quyết tâm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác trước ngày 2/9/2025, góp phần giảm thiểu kẹt xe của công trình cầu Rạch Miễu 1 đang mãn tải hiện nay".
Trong năm nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành 600 km đường bộ cao tốc, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tạo động lực mới cho khu vực nhiều tiềm năng này tăng tốc.
Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nhận định: "Thời gian vừa qua, cũng có khó khăn nhất định, tuy nhiên, cho đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, chúng tôi đã được giải quyết cơ bản các vấn đề khó khăn về vật liệu, mặt bằng. Những dự án đó chúng tôi sẽ cố gắng về đích đúng hẹn, những dự án thuận lợi hơn chúng tôi sẽ vượt tiến dộd khoảng 6 tháng".
Năm 2025 sẽ là một năm ấn tượng của ngành giao thông, khi đó, cả nước sẽ có hơn 1.000 km đường cao tốc được đưa vào khai thác, các cầu cảng và cảng hàng không cũng hoàn thành. Đây là những trục kết nối quan trọng, không chỉ trong nước mà mang tính quốc tế. Đây cũng là một điều kiện để góp phần vào việc tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay và 10% vào những năm kế tiếp.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1.200 km đường bộ cao tốc. Đây là một dấu ấn quan trọng, thể hiện rõ nét sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước. Cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ giúp khu vực này hình thành các trục tăng trưởng mới, gắn với liên kết vùng, đưa tổng sản phẩm trên địa bàn tăng từ 8% đến 9,5%, theo Nghị quyết số 25 của Chính phủ, góp phần cùng cả nước đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!