Chỉ số này phản ánh bức tranh lạc quan nhưng thận trọng của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam. Và trong buổi lễ ra mắt Sách Trắng 2025 mới đây, đại diện EuroCham cũng đã có cuộc trao đổi ngắn với PV Đài THVN về những chiến lược cần thiết để Việt Nam tiếp tục duy trì là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp châu Âu trong bối cảnh thuế quan biến động.
PV: Như ông đã biết Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày cho các quốc gia trong đó có Việt Nam. Và Chính phủ Việt Nam cũng đã ngay lập tức thành lập Đoàn đàm phán với Hoa Kỳ, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Chúng tôi thấy Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ đã có những chiến lược ứng phó rất kịp thời, linh hoạt, theo sát động thái từ phía Hoa Kỳ. Thời hạn 90 ngày tưởng chừng là dài, nhưng theo tôi, đây là khoảng thời gian tối thiểu cần thiết để đàm phán về chính sách mới. Tôi thực sự kỳ vọng lần đàm phán này sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu khi đầu tư ở Việt Nam đều sẵn sàng cho các loại thuế, tuy nhiên các mức thuế này cần ở mức vừa phải, tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp.
* Trong báo cáo BCI mới nhất, chúng tôi thấy chỉ số niềm tin quý I/2025 của các doanh nghiệp châu Âu là 64.6, cho thấy một sự ổn định tương đối song vẫn tiềm ẩn những lo ngại. Vậy cụ thể cộng đồng doanh nghiệp đang lạc quan gì và lo ngại gì khi đầu tư tại Việt Nam, thưa ông?
- Các doanh nghiệp châu Âu đều cho rằng, Việt Nam cực kỳ ổn định và rõ ràng về chiến lược, có nhiều chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư. Vì thế, chúng tôi có ghi nhận 3 trong 4 doanh nghiệp châu Âu sẵn sàng giới thiệu Việt Nam như một điểm đầu tư tốt, và một trong 4 doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng hoạt động trong năm nay. Tuy nhiên, cần phải rõ ràng rằng việc mở rộng đầu tư luôn đi đôi với sự ổn định và an toàn. Khi chính sách áp thuế từ phía Hoa Kỳ đang có nhiều biến động, cứ 4 doanh nghiệp châu Âu thì có một doanh nghiệp thực sự lo lắng và đã tiến hành các biện pháp cắt giảm chi phí, tìm cách duy trì sản lượng nhưng với ít nhân công hơn. Tuy nhiên, đây là thời điểm tôi nghĩ Việt Nam có thể tận dụng để mở rộng các thị trường mới. Ví dụ, Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA) đã thực hiện được 5 năm và đang hoạt động khá tốt. Đây có thể là lúc để đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác giữa châu Âu và Việt Nam.
*Trong bối cảnh hiện nay, theo ông đâu là những điểm Việt Nam cần cải thiện để thu hút thêm nhiều vốn FDI mới?
- Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được: nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động dồi dào và Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trên mọi chặng đường phát triển. Với những lợi thế này, theo tôi có 5 ưu tiên chiến lược Việt Nam cần cải thiện để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam. Đó là: Chính sách thị thực; Thủ tục nhập cảnh và hạ tầng sân bay; Giấy phép lao động; Hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT); Thủ tục hải quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!