Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng gia tăng sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu hết hiệu lực. Bởi vì các ngân hàng không còn quyền thu giữ tài sản đảm bảo khoản vay, nên những người đi vay không phối hợp trả nợ. Đây là thực trạng được Hiệp hội ngân hàng nêu ra tại tọa đàm Góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật các tổ chức tín dụng. Tọa đàm đưa ra nhiều giải pháp để góp phần tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ xấu.
Hiệp hội Ngân hàng đưa ra một con số đáng chú ý, mới có 36% các khoản nợ xấu là người vay phối hợp tự thức trả nợ. Còn lại thì chây ì, không phối hợp, các ngân hàng phải tự trích lập dự phòng rủi ro, hoặc phải khởi kiện. Tuy nhiên, dù có khởi kiện, quá trình xử lý nợ xấu cũng không hề dễ dàng nếu người vay không tuân thủ. Có khoảng 49.000 vụ việc phải tổ chức thi hành án, tương ứng khoảng 190.000 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng hiện mới chỉ 15% số vụ việc thu hồi được. Điều này khiến nợ xấu tồn đọng của các ngân hàng tăng cao.
Chỉ có 36% các khoản nợ xấu là người vay phối hợp tự thức trả nợ
Ông Nguyễn Đức Biên - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty HDBank AMC cho biết: "Khi đã nợ xấu, sự hợp tác của khách hàng giảm đi rất nhiều. Tài sản đó là một căn nhà duy nhất, khi của đau con xót hoặc có người già ở đó, phát sinh nhiều yếu tố, dẫn đến có thể họ chấp hành nhưng họ không muốn rời khỏi nhà đó, buộc thi hành án phải kéo dài".
Ông Vũ Việt Hưng - Phó Trưởng ban Pháp chế, Ngân hàng Agribank chia sẻ: "Nếu khách hàng không hợp tác thì việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi chủ yếu thông qua con đường tố tụng, thi hành án để xử lý. Qua thống kê, hiện tại, chúng tôi có hàng chục nghìn vụ án, hàng chục nghìn vụ việc phải thông qua thi hành án và con đường tố tụng để xử lý, mất rất nhiều thời gian và chi phí. Có những vụ án chúng tôi phải theo đến hàng chục năm, cá biệt có vụ án 20 năm vẫn chưa xử lý được".
Để giúp khơi thông điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu, các ngân hàng kiến nghị Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi cần bổ sung quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng. Và việc ngân hàng được quyền chủ động thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi nợ thay vì phải khởi kiện ra tòa án, cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí cho các bên có liên quan.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định: "Quy định rất rõ điều khoản như thế nào, công khai, minh bạch, chính quyền các cấp tham gia vào, tạo điều kiện để cho ngân hàng thu hồi nợ. Và quan trọng là ý thức của người vay phải có trách nhiệm trả nợ, nếu không trả nợ thì ngân hàng có quyền thu giữ tài sản đảm bảo như đã cam kết".
Tuy nhiên, việc thu giữ tài sản đảm bảo cũng cần hài hòa lợi ích của cả bên cho vay và người đi vay. Để tránh việc lạm dụng quyền thu giữ, các ý kiến đề xuất trong quá trình xử lý, các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các biện pháp đòi nợ vi phạm pháp luật; chỉ được ủy quyền thu giữ cho chính công ty quản lý nợ của chính ngân hàng đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!