Dự án có chiều dài hơn 390km, khi hoàn thành sẽ kết nối với đường sắt Trung Quốc để tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, dự án sẽ là bàn đạp để phát huy thế mạnh cuả hệ thống cảng biển Hải Phòng, góp phần nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics và mở ra nhiều cơ hội cho xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cảng biển tại khu vực nước sâu Lạch Huyện dự kiến khi có đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, họ sẽ đầu tư các tuyến nhánh chạy vào các cầu cảng của mình.
"Khi có đường sắt thì chúng tôi dự kiến đâu đó lượng hàng sẽ tăng lên 20-30% và khi đó lượng xuất nhập khẩu các tuyến dài sẽ nhiều hơn tuyến ngắn. Đặc biệt chúng ta có thể đi đường tắt qua Trung Quốc và sang châu Âu luôn. Đây là một chuỗi dịch vụ đa phương thức rất tốt cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu", ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng cho biết.
Ông Ngô Trung Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế TIL cảng Hải Phòng cho hay: "Sẽ có ga tập kết ở các khu vực gần các cảng nước sâu nên với việc vận chuyển trực tiếp bằng đường sắt rất thuận lợi cho các cảng biển và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời gian tới".
Kết nối đường sắt với cảng biển sẽ giúp thúc đẩy năng lực vận tải.
Tại đầu Hải Phòng dự kiến có 3 ga nằm tại các khu vực cảng biển Lạch Huyện, Đình Vũ và Nam Đồ Sơn. Việc kết nối với các trung tâm logistics sẽ giúp đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khai thác mạng lưới của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết: "Nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá rất cao. Đây cũng chính là kết nối ngắn nhất từ phía Tây Nam Trung Quốc về với biển. Khi kết nối tuyến này đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách hàng hoá rất cao của hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng".
Cũng theo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, hiện này đường sắt quốc gia có 2 tuyến chính kết nối với thủ đô là Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai. Tuy nhiên, do hạ tầng thiếu đồng bộ nên mới chỉ đáp ứng gần 5% nhu cầu hàng hoá và hàng khách.
Việc có thêm dự án đường sắt với khổ tiêu chuẩn 1.435mm và tốc độ thiết kế chạy tàu 160km/h sẽ góp phần kết nối hiệu quả hơn với các phương thực vận tải khác để giảm chi phí logistics.
"Ngay từ quy hoạch chúng tôi đã tính đến việc này và trong quá trình đầu tư xây dựng dự án cũng sẽ dự kiến đến việc khai thác kết cấu hạ tầng này, trong đó có kết cấu hạ tầng đường sắt là một trong những mắt xích để khai thác vận tải đa phương thức", ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau hành lang kinh tế Bắc - Nam, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa quốc tế liên tục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!