Theo IMF, căng thẳng thương mại đe dọa gây ra "cú sập" của thị trường chứng khoán - Ảnh: THX
Ngày 14/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các rủi ro địa chính trị đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và chiến tranh thương mại có thể đẩy hệ thống tài chính toàn cầu vào vòng xoáy bất ổn. IMF cho biết các ngân hàng, quỹ đầu cơ, quỹ hưu trí đang chịu áp lực lớn từ biến động thị trường. Đáng chú ý, các quỹ đầu cơ đã ghi nhận đợt "margin call"- hay lệnh gọi ký quỹ- lớn nhất kể từ đại dịch năm 2020, sau khi Mỹ và Trung Quốc cùng nâng thuế lên trên 100% đối với hàng hóa của nhau. IMF lo ngại sự bất ổn này có thể dẫn đến "sự điều chỉnh dai dẳng về giá tài sản", đe dọa nghiêm trọng ổn định tài chính vĩ mô toàn cầu.
Mặc dù không trực tiếp nhắc đến các sự kiện cụ thể như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây công bố áp đặt các mức thuế quan rộng rãi, IMF lưu ý rằng các chỉ số đo lường rủi ro dựa trên tin tức, bao gồm xung đột, chiến tranh, tấn công khủng bố, chi tiêu quân sự và các biện pháp hạn chế thương mại, đã tăng vọt đáng kể kể từ năm 2022.
Trong một bài đăng trên blog đi kèm, IMF khuyến nghị các tổ chức tài chính nên duy trì đủ lượng vốn và thanh khoản để có thể ứng phó với những tổn thất tiềm ẩn từ các rủi ro địa chính trị. Đồng thời, IMF kêu gọi họ tăng cường sử dụng các bài kiểm tra sức chịu đựng cũng như các phương pháp phân tích khác để nhận diện và quản lý hiệu quả những rủi ro này.
Nghiên cứu của IMF cho thấy, các sự kiện rủi ro lớn như chiến tranh, căng thẳng ngoại giao hay khủng bố thường đẩy giá cổ phiếu xuống trung bình 1% mỗi tháng trên phạm vi toàn cầu. Đối với các thị trường mới nổi, mức giảm trung bình thậm chí còn cao hơn, lên đến 2,5%. Đáng chú ý, các cuộc xung đột quân sự quốc tế được xác định là yếu tố rủi ro nghiêm trọng nhất, khiến lợi nhuận cổ phiếu giảm trung bình 5% mỗi tháng, gấp đôi so với tác động của các sự kiện rủi ro địa chính trị khác.
IMF dự kiến sẽ công bố Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu đầy đủ tại Hội nghị mùa Xuân với Ngân hàng Thế giới, diễn ra trong tuần từ ngày 21/4. Các thông báo về thuế quan của Tổng thống Mỹ Trump được dự đoán sẽ là một trong những chủ đề chi phối các cuộc thảo luận.
Tuần trước đã chứng kiến những biến động mạnh mẽ nhất trên thị trường chứng khoán Phố Wall kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020. Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 10% kể từ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1, trong khi giá vàng lại đạt mức cao kỷ lục. Một cuộc khảo sát người tiêu dùng tại Mỹ cho thấy lo ngại về lạm phát đã lên đến mức cao nhất kể từ năm 1981, và nhiều tổ chức tài chính cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!