IMF: BOJ sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất do bất ổn về thuế quan

Kate Trần-Thứ năm, ngày 24/04/2025 16:19 GMT+7

Đường phố đông đúc ở Tokyo, Nhật Bản Ảnh: Xinhua/Getty.

bangdatally.xyz- Ngân hàng Nhật Bản có khả năng sẽ lùi thời điểm tăng lãi suất tiếp theo vì sự bất ổn do thuế quan của Hoa Kỳ gây ra làm gia tăng rủi ro giảm tốc độ tăng trưởng và lạm phát.

Bà Nada Choueiri, Phó giám đốc Bộ phận Châu Á - Thái Bình Dương của IMF, cũng là trưởng đoàn đánh giá kinh tế Nhật Bản của IMF cho biết, sự bất ổn lớn xung quanh thuế quan của Hoa Kỳ và phản ứng của các quốc gia khác có thể làm giảm niềm tin kinh doanh, khiến một số doanh nghiệp ngần ngại duy trì các đợt tăng lương.

Giới phân tích kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Việc lương cơ bản tại nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản duy trì xu hướng tăng là yếu tố quan trọng giúp BoJ có thêm dư địa nâng lãi suất, một bước đi có thể củng cố sức mạnh của đồng nội tệ trong dài hạn.

Bà Choueiri cho biết thêm, IMF vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ hội tụ về mục tiêu 2% của BOJ, mặc dù điều đó sẽ xảy ra vào năm 2027 chứ không phải năm 2026 như dự kiến ​​trước đây.

"Nhiều doanh nghiệp hiện đang do dự, không thực hiện kế hoạch đầu tư và chờ đợi sự rõ ràng về những gì sẽ xảy ra. Điều này cũng đang trì hoãn các quyết định đầu tư", bà Choueiri nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.

"Chúng tôi thấy rằng nếu kịch bản tham chiếu của chúng tôi thành hiện thực, việc tăng lãi suất của BOJ sẽ bị đẩy lùi theo thời gian. Trong kịch bản tăng trưởng suy yếu, chính sách tiền tệ nới lỏng có thể sẽ cần được duy trì lâu hơn", bà nhấn mạnh thêm.

Các nhà phân tích được Reuters thăm dò vào tháng 4 cho biết, họ kỳ vọng BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến tháng 6, với mức tăng 25 điểm cơ bản dự kiến ​​vào quý tới.

Nhật Bản sẽ tăng trưởng 0,6% trong năm 2025

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố tuần này, IMF dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 0,6% trong năm 2025, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1. Tăng trưởng năm 2026 cũng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm, còn 0,6%.

"Cán cân rủi ro nghiêng về phía tiêu cực cho cả tăng trưởng và lạm phát. Sự bất định toàn cầu do thuế quan cao hơn của Mỹ có thể khiến tiêu dùng suy yếu và doanh nghiệp do dự trong việc tiếp tục tăng lương mạnh trong mùa đàm phán tiền lương năm tới", bà Choueiri nhận định.

BoJ đã kết thúc chương trình nới lỏng quy mô lớn kéo dài một thập kỷ vào năm ngoái và nâng lãi suất ngắn hạn lên 0,5%, dựa trên kỳ vọng rằng nền kinh tế đang tiến tới việc đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.

Dù Thống đốc Kazuo Ueda đã phát tín hiệu sẵn sàng tiếp tục nâng lãi suất, các chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến BoJ gặp khó khăn trong việc xác định thời điểm và quy mô điều chỉnh lãi suất tiếp theo.

Khi được hỏi về khả năng BoJ sẽ cân nhắc cắt giảm lãi suất thay vì tiếp tục tăng, bà Choueiri trả lời: "Nếu có cú sốc lớn đến nhu cầu nội địa, làm suy giảm triển vọng đạt được mức lạm phát 2% bền vững, thì khi đó, việc duy trì nới lỏng mạnh hơn có thể là cần thiết".

Tổng thống Trump đã áp thuế 24% lên hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản vào Mỹ, tuy nhiên, giống như phần lớn các mức thuế khác của ông, chúng đã được hoãn đến đầu tháng 7. Một mức thuế phổ quát 10% vẫn còn hiệu lực, cùng với mức thuế 25% đối với ô tô, vốn được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nhật Bản.

Đồng Yên Nhật vẫn giữ vững vai trò là nơi trú ẩn an toàn hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu tiếp diễn. Cùng với franc Thụy Sĩ và đồng Euro, Yên Nhật đã tăng từ 5 - 8% so với USD trong hai tuần qua, nhờ dòng tiền dịch chuyển về các tài sản an toàn.

Bên cạnh nền tảng kinh tế ổn định và thanh khoản thị trường cao, Nhật Bản còn sở hữu môi trường chính trị vững vàng, qua đó giúp đồng Yên duy trì sức hấp dẫn trong vai trò tài sản trú ẩn. Mặc dù ngắn hạn có thể ghi nhận sự biến động, nhưng triển vọng trung và dài hạn đối với JPY vẫn được đánh giá tích cực.

Trước sức ép từ chi phí sinh hoạt tăng cao và nguy cơ suy giảm kinh tế do thuế quan, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm 22/4 đã công bố kế hoạch cắt giảm giá xăng và trợ cấp tiền điện để giảm bớt gánh nặng cho người dân. Một số nghị sĩ còn kêu gọi tạm thời giảm thuế tiêu dùng để hỗ trợ các hộ gia đình. Tuy nhiên, bà Choueiri cho biết IMF không đồng tình các biện pháp chi tiêu hoặc giảm thuế như vậy, vì điều này sẽ làm gia tăng thách thức trong việc củng cố tình hình tài khóa của Nhật Bản.

"Nếu nền kinh tế thực sự chịu tác động nặng nề từ các chính sách thuế, có thể cần hỗ trợ nhất định. Nhưng hỗ trợ đó phải có thời hạn rõ ràng và được nhắm tới mục tiêu cụ thể". bà nói.

IMF nhấn mạnh rằng Nhật Bản cần tăng thuế tiêu dùng trong trung hạn nhằm kiểm soát mức nợ công khổng lồ. "Nếu cắt thuế ngay bây giờ, thì nỗ lực sau này sẽ càng phải lớn hơn và điều đó sẽ không mang lại hiệu quả", bà kết luận.

Ở diễn biến khác, bà Choueiri nói thêm rằng đồng yên gần đây đã phục hồi so với đồng USD.  "Đồng yên vẫn là một đồng tiền trú ẩn an toàn xét đến sức mạnh của nền kinh tế, cũng như tính dự đoán và ổn định của nền kinh tế. Sự cam kết có chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt của Nhật Bản sẽ phục vụ tốt cho nền kinh tế và giúp hấp thụ cũng như điều chỉnh từ từ các cú sốc", bà nói thêm./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước