Doanh nghiệp mong sớm được thực hiện DPPA
Chính phủ đã ban hành Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, hay còn gọi là cơ chế DPPA. Cơ chế này sẽ tạo ra sự chủ động cho các thành viên thị trường.
Trước đây, khách hàng chỉ mua điện qua nguồn Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Với cơ chế DPPA, người tiêu dùng có thể tự thoả thuận và mua bán với các đơn vị phát điện. Điều này giúp họ chủ động hơn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong dài hạn và giảm thiểu rủi ro về giá cả biến động.
Một điểm rất đáng chú ý là trong Nghị định 80, đã mở rộng đối tượng khách hàng lớn được mua điện năng lượng tái tạo trực tiếp. Trong các dự thảo trước, Bộ Công Thương quy định, nhóm khách hàng này phải có mức tiêu thụ điện năng hàng tháng trên 500.000 kWh mới được coi là khách hàng lớn. Thế nhưng, Nghị định đã nới lỏng yêu cầu này, xuống mức 200.000 kWh.
Theo khảo sát từ các tổng công ty điện lực, hiện nay có khoảng 3.200 khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ trên 500.000 kWh mỗi tháng. Trong khi đó, nhóm sử dụng trên 200.000 kWh lại có đến 7.700 khách hàng. Như vậy, việc mở rộng đối tượng khách hàng lớn sẽ giúp có càng nhiều doanh nghiệp có thể tham gia cơ chế này.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Ảnh minh họa.
Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng đơn vị sản xuất tái chế nhôm Vạn Lợi tiêu thụ khoảng 270.000 kWh điện, thoả mãn yêu cầu là khách hàng sử dụng điện lớn của Bộ Công Thương. Chính vì vậy, doanh nghiệp đang triển khai các thủ tục để sớm được hưởng cơ chế ưu đãi này.
Bà Đào Thị Diệu Lan - Trưởng phòng Môi trường, Công ty TNHH Vạn Lợi, tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Hiện tại, Ban Giám đốc công ty cũng đã chủ động có liên hệ và làm việc với một số đơn vị lắp đặt pin năng lượng mặt trời để khi Nghị định được tiến hành thì công ty cũng sẽ bắt đầu. Khách hàng mà xuất hàng đi châu Âu họ đang kiểm soát rất là chặt với lượng phát thải khí nhà kính. Và nếu áp dụng được các biện pháp với công ty đó là một lợi thế để cạnh tranh trên thị trường".
Tính riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, hiện đang có khoảng 300 doanh nghiệp tiêu thụ trên 200 nghìn kWh điện/tháng. Ngay sau khi Nghị định 80 được ban hành, Sở Công Thương tỉnh đã có những hướng dẫn với doanh nghiệp .
"Sở Công Thương tỉnh đã ban hành văn bản gửi các đơn vị điện lực và các doanh nghiệp sử dụng điện lớn trên địa bàn hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 80 như đối tượng mua bán điện trực tiếp, cơ chế, các yêu cầu chung với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, trình tự thực hiện, chế độ báo cáo…", ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Trưởng phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho hay.
Bên cạnh việc tham gia mua bán điện, nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đang tính tới phương án tự xây dựng và vận hành hệ thống điện năng lượng tái tạo để phục vụ cho việc sản xuất của mình.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Vương, tỉnh Hưng Yên cho biết: "Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để đầu tư nguồn năng lượng để phục vụ cho chúng tôi và cung cấp cho các đối tác khách hàng như chúng tôi để đảm bảo được theo đúng tinh thần mà Thủ tướng chỉ đạo đến năm 2030 các doanh nghiệp sản xuất Net Zero về Carbon".
Theo khảo sát, nhóm khách hàng lớn đang chiếm đến 40% tổng điện năng tiêu thụ trên toàn quốc. Việc cho phép họ được mua bán điện tái tạo trực tiếp cũng là cách giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia.
Cụ thể hóa cơ chế mua bán điện trực tiếp
Theo Nghị định 80, sẽ có 2 hình thức mua bán trực tiếp điện năng lượng tái tạo: Một là mua bán điện thông qua đường dây của lưới điện quốc gia; Thứ hai là các bên mua bán tự đầu tư đường dây truyền tải riêng.
Có thể nói với phương án 1 sẽ là khả thi hơn cho các doanh nghiệp vì khi đó hai bên sẽ sử dụng lưới điện quốc gia, hiểu nôm na là thuê đường dây của EVN để truyền tải điện. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp đang chờ đợi hiện nay là mức giá thuê, tức là chi phí trả cho khâu vận hành lưới điện quốc gia.
Tập đoàn CIP là nhà đầu tư chính của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại tỉnh Bình Thuận từ năm 2020. Dự án có tổng công suất 3,5 GW và vốn đầu tư lên đến 10,5 tỷ USD. Khi hoàn thiện xây dựng, có thể cung cấp năng lượng cho hơn 7 triệu hộ gia đình tại Việt Nam. Hoan nghênh cơ chế DPPA, song doanh nghiệp cũng mong muốn sớm có những quy định cụ thể hơn để Nghị định đi vào đời sống.
Ông Stuart Livesey - Đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá: "Việc ban hành Nghị định 80 là bước đi rất quan trọng, nhưng cũng mới chỉ là bước đầu. Sau đấy còn nhiều vấn đề cần phải được bàn thảo, ví dụ việc tính giá, tính phí nếu các bên sử dụng đường dây của EVN. Chúng tôi có thể hỗ trợ EVN xây dựng những đường truyền tải điện tái tạo, để đảm bảo chi phí chuyển tải điện đến tay người dùng cuối cùng không quá cao".
Hoan nghênh cơ chế DPPA, song doanh nghiệp cũng mong muốn sớm có những quy định cụ thể hơn để Nghị định đi vào đời sống. Ảnh minh họa.
Về cơ bản, giá điện hiện nay được cấu thành bởi 2 yếu tố. Một là giá tạo ra điện năng. Và hai là chi phí cố định như phí truyền tải và vận hành hệ thống của EVN. Việt Nam đang áp dụng giá điện 1 thành phần, tức các chi phí này được tính gộp trong giá bán. Do đó, cần sớm triển khai việc tính giá hai thành phần, để bóc tách chi phí truyền tải điện, áp dụng cho cơ chế DPPA.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực quốc gia thông tin: "Trách nhiệm của tập đoàn liên quan đến việc phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng giá truyền tải, giá phân phối, phí dịch vụ và các cơ chế liên quan đến luật giá cũng như nghị định này, thì tập đoàn cũng đã phối hợp với Cục Điều tiết điện lực, để cơ chế mua bán điện liên quan đến lưới điện quốc gia được đưa vào vận hành ngay".
"Đây sẽ là vấn đề các nhà đầu tư quan tâm vì họ chưa rõ con số cụ thể là bao nhiêu. Trong tính giá điện thường áp dụng nguyên tắc chi phí cộng tới, tức là anh bỏ ra chi phí bao nhiêu để vận hành hệ thống thì được cộng tất cả chi phí lại. EVN hàng năm cũng có hạch toán chi phí điện. Theo tôi được biết các chi phí đầu vào đã tương đối đủ các con số, nhưng cũng có những chi phí cần được phân bổ kỹ hơn một chút", ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Hiện nay, chi phí khâu truyền tải trong nội bộ của EVN còn thấp, khoảng 86 đồng một kWh. Mức này được tính trên mỗi kWh vận chuyển, chưa tính đúng, đủ chi phí theo khoảng cách xa hay gần. Trong khi, chi phí đầu tư của ngành điện (trạm biến áp, đường dây) có thể khác nhau giữa các khách hàng, tùy nhu cầu sử dụng, vị trí.
Phương án mua bán điện tái tạo qua đường dây chung được áp dụng cho điện gió và điện mặt trời. Trong đó điện mặt trời là loại nguồn điện thiếu tính ổn định, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Tức là nguồn điện này có thể sụt giảm công suất đột ngột khi gặp mây, mưa, bão.
Dù mua bán trực tiếp, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, cũng cần có phương án đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!