Một số dự án lớn của thành phố Hà Nội dự kiến sẽ về đích vào cuối năm nay. Cùng với đó là hàng loạt các dự án quan trong khác như đường sắt đô thị, đường vành đai, 3 cây cầu bắc qua sông Hồng kết nối nội thành với ngoại thành và các địa phương lân cận cũng đang được đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục để phấn đấu khởi công ngay trong năm nay.
Sau hơn 1 năm thi công, dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô đã giải ngân được khoảng 15% kế hoạch vốn. Hiện đường song hành hai bên đang dần hình thành. Còn tuyến cao tốc chạy ở giữa được thành phố Hà Nội yêu cầu phải khởi công vào tháng 5 tới đây. Hiện dự án đang được đôn đốc chuẩn bị các hồ sơ thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư triển khai và đặc biệt là tháo gỡ những vướng mắc còn lại về mặt bằng.
Gỡ mặt bằng, thúc đẩy tiến độ đường vành đai 4 - vùng thủ đô
Tuyến vành đai 4 đi qua địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội. Những chấm màu đỏ trên bản đồ thể hiện các vị trí chưa được giải phóng mặt bằng. Dù chỉ còn vướng khoảng 5% nhưng thời gian đã kéo dài mà vẫn chưa xong.
Còn rải rác nhiều vị trí chưa được giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Mặc dù với các dự án trọng điểm luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đốc thúc liên tục, giờ đây sẽ cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương để dự án được thi công thông suốt.
Tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh (Ảnh: VGP)
Ông Mai Thế Khang - Phó Chỉ huy trưởng Gói thầu số 10 đường vành đai 4, Công ty 319 - cho biết: "Kế hoạch để đạt được đến 31/10 năm nay hoàn thành thì phải đảm bảo một số vị trí mặt bằng phải được bàn giao hết. Mong địa phương sớm bàn giao cho chủ đầu tư, bàn giao cho nhà thầu thi công để sớm triển khai".
Trong khi chờ địa phương bàn giao nốt mặt bằng, những đoạn đã có mặt bằng sạch đang được các nhà thầu huy động tối đa máy móc thiết bị để thi công. Hiện 95% phần nền của đường song hành đã hoàn thành và sẽ đổ nhựa vào cuối tháng này.
Từ đầu năm đến nay, dự án xây dựng đường song hành của vành đai 4 đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội đã thi công đạt 60% khối lượng và giải ngân đạt hơn 28%. Mục tiêu sẽ giải ngân hết vốn kế hoạch của năm nay.
Ông Vũ Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội - cho biết: "Hiện nay, Ban Quản lý dự án trong quá trình chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát làm đến đâu đề nghị các đơn vị nhà thầu có hồ sơ thanh toán đến đó, hồ sơ hoàn công đến đó khẩn trương gửi cho chủ đầu tư để thanh toán".
Đường vành đai 4 - vùng thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Đến nay, 3 địa phương đã phê duyệt, thu hồi được gần 98% mặt bằng cho dự án. Riêng đối với Hà Nội, dự án thành phần xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư PPP phấn đấu hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và khởi công trong quý II này.
Cơ chế thúc đẩy tiến độ đường sắt đô thị Hà Nội
Ngoài vành đai 4, hiện các dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục hay vành đai 3,5 cũng đang được Hà Nội được đẩy mạnh triển khai nhiều hạng mục. Còn đối với các dự án đường sắt đô thị, thành phố cũng đang gấp rút thực hiện các thủ tục liên quan để có thể khởi công 2 dự án vào cuối năm nay, đó là tuyến số 2 và tuyến số 5.
Từ năm 2016, Hà Nội đã quy hoạch đến năm nay, thành phố sẽ có 400 km đường sắt đô thị. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có 22,5 km được đưa vào khai thác, đó là tuyến Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao của tuyến Nhổn - ga Hà Nội. Như vậy là mới chỉ đạt 5% quy hoạch. Nguyên nhân của việc chậm trễ này được đánh giá là do thủ tục quá dài, vốn đầu tư lớn và Hà Nội chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội
Để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai, việc đầu tư các dự án đường sắt đô thị đã được Quốc hội thông qua nhiều cơ chế đặc thù. Thậm chí với các tuyến khởi công trong năm nay còn được thành phố đưa vào diện "luồng xanh" để giải quyết các thủ tục liên quan.
Ngã tư Văn Cao - Quần Ngựa của quận Ba Đình sẽ là vị trí đặt ga đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị số 5. Phần trong nội đô được đi ngầm 6,5 km dưới các tuyến phố và ra đến ngoại thành sẽ có 32,5 km đi nổi. Đây được xem là yếu tố thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Đặng Viết Khanh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - cho biết: "Với những bài học kinh nghiệm rút ra từ dự án Nhổn - ga Hà Nội, chúng tôi sẽ áp dụng vào với tuyến 5. Thứ nhất là điều kiện đầu vào, ví dụ như điều kiện địa chất, về các công trình hiện hữu của các tòa nhà trên dọc tuyến như đối với tuyến Nhổn - ga Hà Nội thì đường nhiên đối với tuyến 5 chúng tôi sẽ phải khắc phục toàn bộ những nội dung đấy để không xảy ra, đảm bảo tiến độ thi công".
Tuyến đường sắt đô thị số 5 có 6 ga ngầm, 15 ga nổi và hai khu tập kết, bảo dưỡng, sửa chữa tàu rộng gần 25 ha.
Để thuận lợi cho việc triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh , Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 188 với một số cơ chế đặc thù như không phải xin chủ trương đầu tư mà được lập ngay phương án khả thi, được phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, xây lắp… Với Hà Nội, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ của tuyến số 5, thành phố còn áp dụng thêm cơ chế "luồng xanh" cho thủ tục của dự án.
Ông Đặng Việt Trung - Phó Trưởng ban, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - cho rằng: "Luồng xanh tạo điều kiện cho chúng tôi rất nhiều về rút ngắn thời gian đối với các văn bản gửi các Bộ, ban, ngành. Văn bản đi vào luồng xanh thì chỉ trong 24h là đã được giải quyết. Thời gian giải quyết đã giảm tới 60% so với thời gian hiện trạng".
Dự án đường sắt đô thị tuyến số 5 của Hà Nội có tổng mức đầu tư khoảng 61 nghìn tỷ đồng, được đầu tư từ vốn ngân sách, mục tiêu hoàn thành vào năm 2030. Cùng với các dự án đường sắt đô thị khác, dự án sẽ giúp mở rộng kết nối vùng, cải thiện giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho thủ đô.
Việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm sẽ giúp Hà Nội thực hiện được mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, mở rộng không gian phát triển, kết nối các khu vực trong thành phố và liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!