Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy chính sách kinh tế ngày càng theo hướng đóng khép, nhằm bảo vệ các lợi ích cho nước Mỹ. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư, trong đó có giới đầu tư tại Vùng Vịnh lo lắng.
Với không ít nhà đầu tư tại Vùng Vịnh, thị trường Mỹ từng được gọi là TINA. TINA là viết tắt của cụm từ "There is no alternative" - ý chỉ việc đầu tư vào Mỹ luôn phải là ưu tiên hàng đầu và không có sự lựa chọn nào có thể thay thế. Nhưng nhận thức ấy giờ đây đang dần thay đổi.
Một bài viết được đăng tải trên báo Gulf News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho rằng, nền kinh tế Mỹ trước giờ hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài là nhờ tính ổn định cao, các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và vị thế của đồng USD. Nhưng bây giờ thì trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng, Mỹ thay đổi đột ngột nhiều chính sách, trong khi các công ty Mỹ cũng có thể là đối tượng của các biện pháp áp thuế trả đũa giới đầu tư toàn cầu đang phải cân nhắc lại mức độ đổ vốn vào thị trường Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, các nguồn đầu tư vào Mỹ sẽ không có nhiều thay đổi trong ngắn hạn. Nhưng trong dài hạn ngày càng nhiều nhà đầu tư vùng Vịnh tính đến việc đa dạng hóa các điểm đến đầu tư.
Các kỹ sư tại một cơ sở khai thác dầu của Saudi Arabia. (Nguồn: arabnews.com)
Các chính sách "ưu tiên hàng Mỹ, thuê người Mỹ" của Tổng thống Trump được nhiều trang báo Trung Đông mô tả sẽ có thể viết lại cách vận hành của nền kinh tế Mỹ. Tự do hóa thương mại không còn được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng nữa. Điều này khiến giới đầu tư lo lắng bởi khi nền kinh tế Mỹ đóng khép với hàng hóa, dịch vụ từ bên ngoài, thì ở chiều ngược lại, các công ty của Mỹ cũng có thể bị thu hẹp cánh cửa để kết nối với thị trường toàn cầu.
Thêm một yếu tố khác cũng đang khiến các nhà đầu tư tại Vùng Vịnh quan ngại đó là chính sách thiên về bảo hộ hơn là tự do hóa thương mại có thể đẩy các chi phí kinh doanh tại Mỹ tăng cao.
Việc Mỹ áp mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu cũng có nghĩa là sẽ làm gia tăng chi phí nguyên vật liệu, linh kiện đầu vào phải nhập từ nước ngoài. Các doanh nghiệp mở nhà máy tại Mỹ có thể bị ảnh hưởng nếu chuỗi cung ứng của họ vẫn phải lệ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Một tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư tại Vùng Vịnh hiện nay là thận trọng và chờ đợi, xem những căng thẳng thương mại sẽ còn bị đẩy đi đến đâu. Mỗi quyết định đầu tư giờ đây được khuyến cáo phải tính toán đến cả những rủi ro về chính trị và thương mại, thay vì chỉ dựa trên các yếu tố truyền thống như quy mô thị trường hay khả năng tăng trưởng như trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!