Giải bài toán cân bằng thương mại với Mỹ

Kate Trần-Thứ bảy, ngày 12/04/2025 10:16 GMT+7

bangdatally.xyz - Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh xuất khẩu nước ta đang đối diện với nguy cơ thuế quan của Mỹ, việc cân bằng thương mại với thị trường này là vô cùng cần thiết.

Xuất khẩu vào Mỹ "vướng" nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Số liệu mà Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, thâm hụt thương mại hàng hóa của nước này năm 2024 đạt mức kỷ lục với 1.200 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 4 về thặng dư thương mại với Mỹ, sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 3 tháng năm 2025 đạt hơn 31,3 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu vẫn là nhóm mặt hàng vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 7,4 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 23,8% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 5,2 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 16,7%.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), Mỹ hiện đang dẫn đầu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Mỹ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Mỹ.

Giải bài toán cân bằng thương mại với Mỹ - Ảnh 1.

"Xuất khẩu của nước ta sang Mỹ chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu và Trung Quốc là nguồn cung của 38% kim ngạch nhập khẩu", bà Trang nhấn mạnh.

Minh chứng, mới đây, Hiệp hội bán buôn bán lẻ Mỹ đánh giá, năm 2025 sẽ đặc biệt khó khăn đối với các mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ xuất khẩu vào Mỹ. Đây cũng là các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường khổng lồ này.

Hơn thế nữa, thống kê của VnDirect cũng cho thấy, nhóm gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, máy móc thiết bị, giày dép, và hàng điện tử phụ thuộc hơn 30% vào thị trường Mỹ. Chính vì lẽ đó, thông tin từ ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho thấy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện có nhiều thay đổi về chính sách đối ngoại lẫn đối nội. Ông Trump đã yêu cầu Bộ Thương Mại Mỹ điều tra xem xét đánh giá vai trò các nhà cung cấp nước ngoài trong chuỗi cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ của Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Cần tăng cường nhập khẩu từ Mỹ và giảm thuế nhập khẩu

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế đều đưa ra giải pháp tăng cường nhập khẩu từ Mỹ để cân bằng thương mại. Việc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ là một chiến lược quan trọng nhằm hướng tới cân bằng thương mại. Với giá trị các thỏa thuận mua hàng từ Mỹ đạt 4,15 tỉ USD và dự kiến tăng lên 90,3 tỉ USD trong năm 2025, nhiều lĩnh vực có tiềm năng đẩy mạnh nhập khẩu, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa giúp tăng cường quan hệ thương mại song phương.

Theo đánh giá của VnDirect, Việt Nam còn nhiều tiềm năng gia tăng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, LNG, hàng không, công nghệ cao, thiết bị y tế, các sản phẩm quốc phòng...

Theo đó, Việt Nam có thể đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đậu nành, thịt bò, ngô, lúa mì - những mặt hàng mà Mỹ đang dư thừa và tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Giải bài toán cân bằng thương mại với Mỹ - Ảnh 2.

Trong đó, điển hình, Việt Nam có thể mở rộng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để phục vụ nhu cầu chuyển đổi năng lượng sạch. Bên cạnh đó, về hàng không, hiện các hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet đã ký các hợp đồng mua máy bay Boeing nhưng có thể đẩy nhanh quá trình nhận hàng để tăng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ....

Về phía doanh nghiệp, theo bà Trang, để cân bằng thương mại với Mỹ, giảm rủi ro bị áp thuế cao, các doanh nghiệp Việt xuất Mỹ cần tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa thông qua nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại...Còn những doanh nghiệp nhập khẩu "đầu vào" cho sản xuất nên hướng đến nguồn hàng từ thị trường Mỹ.  

Nghị định 73 sửa đổi mức thuế suất MFN với một số mặt hàng như nhóm các mặt hàng nông nghiệp: đùi gà đông lạnh từ thuế 20% còn 15%; hạt dẻ cười từ 15% còn 5%; hạnh nhân 10% còn 5%; táo tươi từ 8% còn 5%, cherry từ 10% còn 5%; nho khô 12% còn 5%; một số mặt hàng gỗ từ 20%-25% còn 0%; ngô hạt và khô dầu đậu tương từ 1%-2% xuống 0%.

Ở khía cạnh khác, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 sửa đổi mức thuế suất MFN với một số mặt hàng. Trong đó, thuế MFN - thuế nhập khẩu ưu đãi các nước trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bao gồm cả Mỹ - sẽ giảm từ 31/3 với nhiều mặt hàng như ôtô, gỗ, khí hóa lỏng LNG, sản phẩm nông nghiệp. 

Được biết, hiện một số doanh nghiệp Mỹ đang thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tại Việt Nam thuộc các ngành hàng như: thịt, trái cây, nho khô, nguyên liệu thức ăn gia súc, thức ăn cho thú cưng...

Để gia tăng nhập khẩu từ Mỹ, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, Nhà nước cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Mỹ. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu từ Mỹ bằng cách đơn giản hóa thủ tục, giảm rào cản thương mại...

Ngoài ra, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nước ta cần có giải pháp để giảm sức ép tỉ giá. Bởi lẽ khi tăng nhập khẩu hàng từ Mỹ sẽ cần lượng ngoại tệ lớn và chắc chắn gây áp lực lên tỉ giá. Vì vậy, nước ta cần tăng tỉ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước và giảm nhập khẩu "đầu vào". Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cuối cùng, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt cùng với Nhà nước tăng cường đấu tranh chống gian lận thương mại, xuất xứ để không bị lợi dụng, duy trì cạnh tranh lành mạnh và công bằng ở thị trường nội địa. Song song với đó, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy các hoạt động ngoại giao và hợp tác với phía Mỹ để kịp thời nhận diện và phối hợp xử lý các vướng mắc trên tinh thần hợp tác, xây dựng cùng phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước