Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, chỉ số VN-Index giảm hơn 80 điểm. Tổng quan toàn thị trường, 505 cổ phiếu giảm so với 10 cổ phiếu tăng, trong đó nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn giảm sàn.
Khối ngoại sáng nay cũng bán ròng mạnh với giá trị gần 3.200 tỷ đồng. Khối ngoại bán ra nhiều nhất là cổ phiếu ngân hàng như MBB, TPB, tiếp theo là các mã như FPT, SSI hay VNM.
Đà giảm của thị trường đến từ chính sách thuế quan mới của Mỹ lên các nước nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, mức thuế hiện tại chưa phải là mức thuế chính thức và con số thực tế được kỳ vọng sẽ thấp hơn nhiều sau các cuộc đàm phán giữa các quốc gia với Mỹ trong một tuần tới. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên bình tĩnh chờ đợi các diễn biến tiếp theo của thị trường.
Kết phiên giao dịch sáng, chỉ số VN-Index giảm 82,28 điểm, xuống mức 1235,55 điểm. Giá trị giao dịch đạt hơn 31.000 tỷ đồng. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 16,76 điểm, xuống 221,37 điểm. Giao dịch đạt giá trị hơn 1.600 tỷ đồng.
Thanh khoản phiên hôm nay cao kỷ lục với giá trị khớp lệnh trên HOSE vượt 38.000 tỷ đồng
Cụ thể, VN-Index đóng cửa phiên 3/4 với mức giảm 88 điểm (giảm 6,68%) xuống dưới 1.230 điểm. Vốn hóa toàn thị trường giảm hơn 500.000 tỷ đồng, còn khoảng 6,8 triệu tỷ đồng.
Thanh khoản phiên hôm nay cao kỷ lục với giá trị khớp lệnh trên HOSE vượt 38.000 tỷ đồng. Tính chung trên cả 3 sàn, giá trị khớp lệnh lên đến hơn 42.000 tỷ đồng. Toàn sàn có tới gần 1.100 mã giảm điểm; trong đó có đến gần 500 cổ phiếu giảm sàn.
Rổ cổ phiếu VN30 có 30 mã giảm, nhưng có tới 28 mã giảm hết biên độ. Nhóm ngân hàng cũng không còn mã nào ở chiều tăng giá mà chủ yếu giảm kịch sàn. Các nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, dầu khí, thép, gỗ, cao su... chủ yếu giảm sàn.
Hôm nay khối ngoại bán ròng gần 2.700 tỷ đồng. Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 2.673 tỷ đồng, tập trung tại các mã TPB (354,99 tỷ đồng), FPT (339,13 tỷ đồng), VNM (311,36 tỷ đồng) và VCB (267,26 tỷ đồng). Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 7,5 tỷ đồng, tập trung vào mã PVS (11,99 tỷ đồng), IDC (11,46 tỷ đồng), TNG (6,58 tỷ đồng) và VTZ (2,54 tỷ đồng).
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh cũng chung xu hướng với các thị trường chứng khoán trên thế giới.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), ông Đỗ Bảo Ngọc, tâm lý nhà đầu tư toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, vì quyết định này có thể làm trầm trọng hơn các căng thẳng thương mại và gia tăng lo ngại về sự bất ổn kinh tế toàn cầu.
Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán có thể phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn, với áp lực bán mạnh ở các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực. Ông Ngọc cho rằng, nếu Chính phủ có biện pháp ứng phó phù hợp, tâm lý thị trường có thể ổn định dần.
Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), ông Phạm Lưu Hưng cho rằng, định giá thị trường hiện chỉ bằng một nửa so với thời điểm căng thẳng thương mại lần đầu năm 2018 khi P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu)VN-Index ở mức 23-24 lần. Vì thế, áp lực buộc phải bán của nhà đầu tư ra không quá mạnh. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường của các nhà đầu tư cá nhân với tỷ lệ giao dịch trên 90% và yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!