Đưa đầu tư sản xuất về Mỹ: Thách thức đi kèm cơ hội

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 19/04/2025 19:58 GMT+7

bangdatally.xyz - Đưa sản xuất trở lại nước Mỹ cũng là một trong những thông điệp hàng đầu mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra kể từ khi ông nhậm chức.

Chính phủ Mỹ quảng bá thành tựu đưa đầu tư sản xuất về Mỹ

Đưa sản xuất trở lại nước Mỹ cũng là một trong những thông điệp hàng đầu mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra kể từ khi ông nhậm chức. Trong vòng chưa tới 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Trump đã liên tục công bố những dự án mới cho thấy thành công của chiến lược này.

Mới đây nhất, Nvidia – một trong những tên tuổi "nóng" nhất tại Phố Wall hiện nay, đã công bố dự án đầu tư 500 tỷ USD vào sản xuất chip tại Mỹ, dành cho các lĩnh vực siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo AI. Với sức tăng trưởng mạnh mẽ của mảng chip AI hiện nay, dự án này của Nvidia cũng đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn.

Trước đó, một cái tên khác là ông lớn ngành ô tô Hyundai của Hàn Quốc cũng đã lên kế hoạch mở dây chuyền sản xuất mới tại Mỹ với tổng trị giá khoảng 20 tỷ USD.

Một đối tác thương mại của Mỹ là các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất UAE cũng đã công bố đầu tư tổng cộng 1.400 tỷ USD vào thị trường Mỹ. Dự kiến trong đó, tập đoàn EGA của nước này sẽ chủ trì dự án mở nhà máy luyện nhôm mới đầu tiên trên đất Mỹ sau hơn ba thập kỷ.

Có thể thấy, rất nhiều dự án mới công bố đều nhằm vào những lĩnh vực mang tính chiến lược, đảm bảo an ninh về kinh tế và chuỗi cung ứng cho nước Mỹ.

Để thuyết phục các doanh nghiệp, Chính phủ Mỹ cũng đã đưa ra những cam kết của mình.

Phó Tổng thống Mỹ Jd Vance phát biểu: "Kế hoạch sản xuất tại nước Mỹ rất đơn giản, Doanh nghiệp đem dây chuyền sản xuất về nước Mỹ. Chính phủ sẽ hỗ trợ giảm bớt các rào cản thủ tục, quy định. Chính phủ sẽ hỗ trợ chi phí năng lượng điện, để doanh nghiệp có thể đầu tư, xây dựng, và sản xuất- ngay trong lãnh thổ của Mỹ".

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng ngay lập tức tham gia vào kế hoạch đưa sản xuất về nội địa của chính quyền Tổng thống Trump. Có rất nhiều rào cản khiến họ chưa thể, thậm chí là không thể làm ra sản phẩm 100% ngay trên đất Mỹ.

Đưa đầu tư sản xuất về Mỹ: Thách thức đi kèm cơ hội - Ảnh 1.

Nvidia – một trong những tên tuổi "nóng" nhất tại Phố Wall hiện nay, đã công bố dự án đầu tư 500 tỷ USD vào sản xuất chip tại Mỹ

Ngành sản xuất tại Mỹ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu

Đã hai tuần trôi qua kể từ ngày chính quyền Mỹ công bố thuế đối ứng lên hơn 180 đối tác thương mại. Trong tuần vừa rồi, phía Mỹ đã tuyên bố sẽ cân nhắc hoãn áp thuế lên mặt hàng ô tô. Ngay lập tức, cổ phiếu của các hãng ô tô lớn tại Mỹ và cả châu Á đều bật tăng. Rõ ràng đây là tin vui với doanh nghiệp sản xuất ô tô trên thế giới. Nhưng cũng là tin tốt với người tiêu dùng Mỹ. Vì theo số liệu từ Nhà Trắng, năm 2024 vừa qua, có 16 triệu chiếc xe ô tô được bán ra ở Mỹ, có tới 8 triệu xe là nhập khẩu từ nước ngoài. Hoãn thuế nghĩa là ít nhất vào lúc này, người Mỹ mua ô tô ngoại thì giá cũng chưa tăng.

Đồ vật tiếp theo cũng quan trọng không kém trong các hộ gia đình của Mỹ, đó chính là nội thất. Mới đây tờ Washingtonpost đã lấy ý kiến một số doanh nghiệp nội thất của Mỹ cho thấy những chiếc sofa, dù đã nội địa hoá một cách tối đa, nhưng tới 60% vải hay da bọc ngoài vẫn phải nhập khẩu từ các nước khác, như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay Việt Nam. Thậm chí, những chiếc lò xo hoặc máy móc ngả lưng ghế cũng phải nhập khẩu.

Nước Mỹ có ngành sản xuất nội thất trong nước phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, vẫn không thể thiếu yếu tố nhập khẩu. Kể cả khi đó chỉ là những chi tiết nhỏ nhất.

Bên cạnh đó, theo các thống kê, dường như ngành sản xuất tại Mỹ đang suy thoái.

Theo Cục thống kê dân số Hoa Kỳ, từ năm 2002-2022, hàng chục nghìn nhà máy, cơ sở sản xuất của rất nhiều ngành công nghiệp phụ trợ tại Mỹ đã suy giảm. Không chỉ trong ngành ô tô hay nội thất, mà hàng chục ngành quan trọng khác như máy móc, dệt may, điện tử và máy tính, thiết bị vận tải.

Năm 1970, có tới 1/3 lực lượng lao động của Mỹ làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp. Giờ đây, con số đó chỉ chiếm khoảng 1/10 tổng lực lượng lao động của nước này.

Theo ký ức của nhiều người Mỹ sinh ra vào những năm 1950, 1960, Mỹ từng là công xưởng của thế giới, nơi những dây chuyền lắp ráp ồn ào tạo ra vô số hàng hóa, từ ô tô, thép cho đến đồ gia dụng. Và giờ đây, quốc gia này đang chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế dịch vụ.

Đưa đầu tư sản xuất về Mỹ còn lắm thách thức

Điện thoại iPhone chắc chắn là một trong những sản phẩm mang thương hiệu Mỹ được ưa chuộng hàng đầu trên thế giới. Thế nhưng, ngay từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, CEO Apple Tim Cook đã nhiều lần phải khẳng định, Táo khuyết không có kế hoạch để đưa iPhone trở thành một sản phẩm hoàn toàn "sản xuất tại Mỹ". Lý do không chỉ là chi phí, mà cả những thiếu hụt về hạ tầng của Mỹ hiện nay.

Ông Dan Ives - Giám đốc điều hành, Công ty Đầu tư Wedbush cho biết; "Nếu iPhone được sản xuất ở Mỹ, nó sẽ có giá tới 3.500 USD, và sẽ phải mất từ 7-8 năm để điều đó trở thành sự thật. Việc xây một nhà máy tại Mỹ đã mất từ 4-5 năm và chúng tôi cũng không có đủ cơ sở hạ tầng hay nhân sự vận hành. Vậy nên, nếu muốn iPhone sản xuất tại Mỹ, thì bạn phải chấp nhận nó có giá 3.500 USD".

Và khi đưa sản xuất trở lại, đặc biệt ở những lĩnh vực công nghệ cao, chưa chắc đa số người lao động Mỹ đã được hưởng lợi.

Ông Kevin Nicholson - Giám đốc đầu tư, Quỹ Riverfront chia sẻ: "Vì các dây chuyền sản xuất hiện nay đang dần tự động hóa, robot làm hết các việc, nên ngay cả khi đưa được dây chuyền sản xuất về lại nước Mỹ, cũng chưa chắc là đã tạo ra được nhiều công ăn việc làm mới".

Khó khăn là vậy, nhưng tại sao các doanh nghiệp lớn vẫn có những kế hoạch đầu tư sản xuất tại Mỹ, như Apple cam kết đầu tư đến 500 tỷ USD. Theo các chuyên gia, bên cạnh việc làm hài lòng Chính phủ Mỹ, đây cũng là một phần của một chiến lược dài hạn hơn, mang quy mô toàn cầu chứ không chỉ tập trung vào thị trường Mỹ

Ông Brian Lee Shun Rong - Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Đầu tư Maybank nêu ý kiến: "Ngay từ trước đây, nhiều công ty đa quốc gia đã đưa ra chiến lược "Trung Quốc + 1" nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Mỹ vẫn là một trong những thị trường hàng đầu thế giới và không dễ thay thế. Do đó, các công ty sẵn sàng có những cam kết để có thể được miễn trừ thuế quan hay hưởng những điều kiện thuận lợi hơn".

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư mới vào Mỹ chủ yếu xoay quanh những lĩnh vực, sản phẩm được xem là then chốt, đảm bảo an ninh kinh tế, còn với các lĩnh vực khác, hàng nhập khẩu vẫn sẽ đóng một vai trò chủ đạo trong thời gian tới.

Như vậy, rất khó để có thể quay trở lại thời kỳ công nghiệp hoàng kim của thế kỷ trước – giai đoạn nước Mỹ là một công xưởng của thế giới - và ít phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài.

Đã nói tới hàng hoá sản phẩm mà người dân Mỹ dùng hàng ngày, không thể nào chỉ có đồ điện tử, chip bán dẫn, mà còn có ngành công nghiệp thực phẩm, may mặc. Đưa sản xuất trở lại nước Mỹ nếu thực hiện được sẽ là một chiến dịch thay đổi hoàn toàn diện mạo của hàng trăm ngành công nghiệp tại Mỹ. Về phía các doanh nghiệp, có những doanh nghiệp chưa sẵn sàng với kế hoạch này, nhưng cũng có những doanh nghiệp đã chuẩn bị cho việc nội địa hoá 100%.

Đưa đầu tư sản xuất về Mỹ: Thách thức đi kèm cơ hội - Ảnh 2.

Ngành sản xuất tại Mỹ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu

Đưa đầu tư sản xuất về Mỹ còn nhiều ý kiến

Tại bang Georgia, công ty Thomaston Mills - một nhà sản xuất chăn ga gối đệm với lịch sử hơn 120 năm tuổi - đã sẵn sàng đón làn sóng nội địa hoá.

Bà Janet Wischnia - Đồng sở hữu thương hiệu Thomaston Mills cho biết: "Chúng tôi tự hào là thương hiệu 100% sản xuất tại Mỹ - từ bông, se sợi, dệt, cho tới may hoàn thiện. Dù hiện nay có nhiều biến động, công ty chúng tôi không có kế hoạch tăng giá".

Thomaston Mills hiện có hai cơ sở sản xuất tại Georgia và South Carolina, tập trung vào cung cấp cho các khách sạn, cơ sở y tế và thương hiệu bán lẻ riêng. Gần đây, bà Wischnia ghi nhận doanh số bán lẻ tăng, phản ánh xu hướng tiêu dùng ủng hộ hàng nội địa. Hơn ai hết, bà Janet từng chứng kiến hậu quả của việc hàng nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn vào nước Mỹ.

Bà Janet Wischnia - Đồng sở hữu thương hiệu Thomaston Mills tâm sự: "Chúng tôi có nhân viên gắn bó hơn 20 năm, từng chứng kiến công ty phá sản và bạn bè mất việc. Vì vậy, việc mang ngành công nghiệp này trở lại thật sự rất có ý nghĩa với chúng tôi".

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện như Thomaston. Tại bang Michigan, chuỗi thương hiệu TeaHaus - chuyên bán các loại trà cao cấp nhập khẩu - lại đang đối mặt với áp lực lớn từ chính sách thuế.

Bà Lisa Mcdonald - Chủ sở hữu TeaHaus chia sẻ: |"Chúng tôi không thể trồng trà ở Mỹ ở quy mô đủ lớn để cung cấp cho thị trường. Chính sách khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại không thể áp dụng với ngành trồng trà".

Với mức thuế 145% đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 125% trả đũa từ Bắc Kinh, nhiều doanh nghiệp nhỏ như TeaHaus đứng trước bài toán sống còn.

Bà Lisa Mcdonald - Chủ sở hữu TeaHaus cho biết thêm: "Dù khách hàng có trung thành đến đâu, tôi cũng không thể bán 50g trà với giá 75 USD".

Dù có ở vị thế nào trước làn sóng thuế quan, các doanh nghiệp này cũng đều đang quan sát những cuộc đàm phán, thỏa thuận song phương giữa Mỹ và các đối tác thương mại, vì họ biết rằng kết quả sau gần 90 ngày nữa sẽ có tác động trực tiếp tới sự tồn tại của họ trên thị trường sân nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước