Tạm thời vơi bớt gánh nặng thuế quan
Mỹ lùi thời gian áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam khiến cộng đồng doanh nghiệp tạm thời “thở phào”.
Hiện nay, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao như hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh và các sản phẩm may mặc, giày dép, nội thất và nông sản. Đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Trước tình hình căng thẳng thương mại leo trang và xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đối diện với nhiều rào cản và rủi ro, nhiều ngành hàng, doanh nghiệp "đứng ngồi không yên". Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới có thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại, đồng thời giảm đáng kể thuế đối ứng xuống 10% trong giai đoạn này. Động thái đó đã làm giảm áp lực thương mại cho nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam và ngay sau khi nhận được thông báo này, nhiều doanh nghiệp nước ta phần nào 'thở phào nhẹ nhõm" vì đã tạm thời vơi bớt gánh nặng thuế quan lên tới 46%.
"Các doanh nghiệp xuất khẩu bớt lo lắng vì tạm thời trong 3 tháng tới sẽ chưa phải chịu thuế quan khi xuất khẩu vào Mỹ. Điều này có nghĩa là hàng hóa vẫn theo kế hoạch, từ giá cả cho đến số lượng đơn hàng đã ký sẽ không thay đổi", TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội chia sẻ với phóng viên VTV Times.
Đại diện một số doanh nghiệp ngành dệt may, da giày chia sẻ, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, 2 ngành xuất khẩu mũi nhọn này sẽ bị ảnh hưởng khá lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang có thêm thời gian 90 hoãn áp thuế để chuẩn bị có những biến động, để có kế hoạch và chiến lược mới về thị trường cũng như mặt hàng xuất khẩu.
Còn theo đại diện ngành Thủy sản, bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), các doanh nghiệp ngành thủy sản bớt lo lắng phần nào khi guy cơ áp thuế 46% được hoãn lại. Hiện các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu mức thuế tối đa lên đến 75%. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp còn phải chịu thêm chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác.
Liệu đơn hàng vào Mỹ có giảm?
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội nhận định, chắc chắn trong 90 ngày hoãn áp thuế đối ứng vẫn sẽ xảy ra rất nhiều xóa trộn trên thị trường toàn cầu nói chung và Mỹ nói riêng. Không chỉ hàng hóa Việt Nam mà hàng hóa của các nước xuất khẩu khác sẽ có xu hướng ồ ạt vào Mỹ. Đối với Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục đạt tăng trưởng tốt cho đến hết quý II nhờ vào các đơn hàng đã ký và những đơn hàng gấp rút trước khi có những biến động mới về thuế quan của Tổng thống Mỹ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 3 tháng năm 2025 đạt hơn 31,3 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, với mức thuế bổ sung 10% thì một số mặt hàng đi Mỹ sẽ có xu hướng suy giảm kim ngạch bởi giá cả đội lên cao hơn, trong khi bói cảnh khó khăn về kinh tế đã khiến chi tiêu tại thị trường lớn nhất thế giới này bị cắt giảm.
Chia sẻ cụ thể về ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Mỹ là thị trường quan trọng, nên chính sách thuế của quốc gia này sẽ tác động đến tăng trưởng ngắn hạn trong năm 2025. Hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện đang được áp thuế tối huệ quốc (MFN) khoảng 18% và mới đây cộng thêm 10% mức thuế bổ sung, khiến con số chịu thuế tăng lên 28%.
"Với mức thuế cao hơn này, lượng hàng hóa dệt may nước ta xuất khẩu sang Mỹ sẽ sụt giảm trong thời gian tới. Do đó, doanh nghiệp trong ngành phải tính toán và đàm phán với đối tác để có giải pháp phù hợp về mức thuế bổ sung 10%, tránh gây ảnh hướng quá lớn đến giá thành tại thị trường bởi sẽ làm nhu cầu giảm", ông Cẩm khuyến nghị.
Đồng thời, địa diện Vitas nhấn mạnh thêm, các doanh nghiệp cần tập trung đàm phán các đơn hàng tiếp theo với cách thức chia sẻ lợi ích, rủi ro trong toàn chuỗi cung ứng, từ nhà cung cấp nguyên phụ liệu đến nhà sản xuất, nhà phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng.
Cơ hội để một cố mặt hàng thủy sản Việt tranh thủ xuất vào Mỹ, như tôm, cá tra...
Còn đối với mặt hàng thủy sản, theo bà Hằng, kim ngạch xuất khẩu thời gian tới có thể sẽ suy giảm do ngay khi nhận được thông báo áp thuế 46% của Mỹ, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu.
Tuy nhiên, bà Hằng cũng nêu ra cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang với các mức thuế chưa từng có hai bên áp cho nhau cũng sẽ là cơ hội để một cố mặt hàng thủy sản Việt tranh thủ xuất vào Mỹ, như tôm, cá tra...
Chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó rủi ro thuế quan từ Mỹ
Theo các chuyên gia kinh tế, giai đoạn tạm hoãn thuế 90 ngày là thời gian để doanh nghiệp Việt tập trung rà soát, lên kế hoạch, kịch bản, chiến lược để ứng phó với diễn biến thuế quan tiếp theo của ông Trump. "Đây là “thời gian vàng” cho nền xuất khẩu Việt Nam chuẩn bị ứng phó với giai đoạn phía trước. Doanh nghiệp nên bắt đầu từ việc rà soát lại quy trình, chứng từ, giá thành và các hợp đồng với đối tác để có kế hoạch phù hợp và tránh được những rủi ro thuế quan của Mỹ", TS Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Ông Anh cũng cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành và ngành hàng cần kịp thời cập nhật thông tin chính thức khi có thay đổi về chính sách, tư vấn và giải đáp vướng mắc về quy trình, thủ tục liên quan đến thuế quan cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, thời gian này, doanh nghiệp cần tập trung vào việc giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như kiểm soát xuất xứ minh bạch để hạn chế nguy cơ về phòng vệ thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, minh bạch khi xuất sang Mỹ.
Song song với đó, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu cần có chiến lược mở rộng thị trường, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, phân tán rủi ro thông qua việc tận dụng các hiệp định thương mại (FTA).../.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!