Đối mặt áp lực thuế từ Mỹ: Việt Nam biến thách thức thành cơ hội chiến lược

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 05/04/2025 15:29 GMT+7

bangdatally.xyz - Trước chính sách áp thuế của Mỹ, Việt Nam không chỉ ứng phó kịp thời mà còn chủ động đề xuất giải pháp, khẳng định vai trò kiến tạo trong quan hệ kinh tế toàn cầu.

Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, đây là một minh chứng cho nỗ lực hội nhập toàn diện, sâu rộng và ngày càng thực chất. Chúng ta đang đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thế giới.

Đối mặt áp lực thuế từ Mỹ: Việt Nam biến thách thức thành cơ hội chiến lược - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ đã công bố chính sách áp thuế từ 10% đến 49% đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam

Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết đăng tải cách đây ba ngày, trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc không thể tách rời những chuyển động chung của toàn cầu. Việt Nam, trong lịch sử phát triển kinh tế, đã từng trải qua không ít cú sốc lớn: Từ cấm vận, khủng hoảng tài chính, thiên tai, dịch bệnh cho đến những thay đổi chính sách bất ngờ từ các đối tác lớn.

Ngày 2/4//2025, Tổng thống Mỹ đã công bố chính sách áp thuế từ 10% đến 49% đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngay trong tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc trao đổi được đánh giá là hiệu quả, thể hiện rõ vai trò chủ động, kịp thời của lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề đối ứng, bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh biến động toàn cầu.

Theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đây là cuộc điện đàm rất kịp thời, hiệu quả và mang tính đột phá.

"Việt Nam không chỉ thể hiện thái độ chủ động mà còn đưa ra đề xuất rất cụ thể: Cùng Hoa Kỳ xây dựng một thỏa thuận để đưa thuế nhập khẩu giữa hai bên về mức 0%, đây một bước đột phá lớn trong quan hệ thương mại song phương", ông Vinh nói.

Đối mặt áp lực thuế từ Mỹ: Việt Nam biến thách thức thành cơ hội chiến lược - Ảnh 2.

ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ về cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: "Đây không đơn thuần là đàm phán thương mại. Nó là bước đi mang tính chiến lược, bởi nó phản ánh đúng bản chất quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bổ trợ lẫn nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp".

Theo ông Dũng, Việt Nam chủ yếu sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, giúp người dân và doanh nghiệp Mỹ tiếp cận sản phẩm với giá rẻ. Giá trị thặng dư mà Việt Nam thực sự hưởng rất nhỏ. Ngay cả khi thuế nhập khẩu về 0%, thặng dư vẫn có thể tồn tại vì đó là đặc thù của cấu trúc kinh tế, chứ không phải là biểu hiện của sự không công bằng hay phân biệt đối xử.

Đối mặt áp lực thuế từ Mỹ: Việt Nam biến thách thức thành cơ hội chiến lược - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ những nội dung liên quan đến mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Không chỉ thể hiện sự chủ động ở cấp cao nhất, phản ứng của Việt Nam sau quyết định áp thuế từ phía Mỹ cũng được tổ chức nhanh chóng và hợp lý. Ngay trong tối cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập họp Thường trực Chính phủ để bàn cách ứng phó.

"Chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng đó cũng chính là cơ hội để khẳng định bản lĩnh và sức mạnh của dân tộc ta. Đồng thời, đây là thời điểm để thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, không chỉ là xu thế, mà còn là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, độc lập, tự chủ không đồng nghĩa với khép mình, mà phải đi đôi với hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Chúng ta cần đẩy mạnh mở rộng thị trường, đa dạng hóa cả về thị trường, sản phẩm lẫn chuỗi cung ứng, để có thể thích ứng một cách linh hoạt, kịp thời và hiệu quả với mọi tình huống. Cùng với đó, phải tăng cường nội địa hóa, khai thác hiệu quả thị trường trong nước và tận dụng tốt các nguồn lực, tài nguyên trong nước để phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đối mặt áp lực thuế từ Mỹ: Việt Nam biến thách thức thành cơ hội chiến lược - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập họp Thường trực Chính phủ để bàn cách ứng phó với quyết định áp thuế từ phía Mỹ.

Bình luận về quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá cao sự linh hoạt, kịp thời và bình tĩnh trong cách ứng xử của Chính phủ. Cuộc họp được tổ chức ngay sau khi Mỹ công bố quyết định áp thuế, thể hiện tinh thần chủ động, nhanh nhạy nhưng đầy tự tin, không nóng vội hay phản ứng cảm tính.

Cũng theo ông Dũng, Việt Nam đã xử lý rất đúng khi không để vuột mất cơ hội đàm phán, đồng thời giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan chức năng, đảm bảo hệ thống sẵn sàng phản ứng hiệu quả.

Ông Phạm Quang Vinh hoàn toàn nhất trí với nhận định rằng chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện rõ tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong đối ngoại Việt Nam. Theo ông, đối ngoại cần phân định rõ giữa xử lý trước mắt và chiến lược lâu dài.

"Trước mắt, việc Mỹ áp thuế cần được xử lý ngay lập tức vì ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hóa đã xuất khẩu. Nếu không kịp thời ứng phó, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị trả hàng, mất thị trường. Do đó, việc Chính phủ hành động nhanh, từ cuộc điện đàm của Tổng Bí thư đến các tổ công tác đối ngoại và trong nước, là hết sức cần thiết. Về lâu dài, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, tăng cường nội lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tái cấu trúc nền kinh tế", ông Vinh chia sẻ.

Đối mặt áp lực thuế từ Mỹ: Việt Nam biến thách thức thành cơ hội chiến lược - Ảnh 5.

Chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện rõ tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong đối ngoại Việt Nam.

Khủng hoảng luôn là một phép thử, nhưng cũng là đòn bẩy để nhìn lại và chuyển mình. Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, đây là lúc Việt Nam cần tận dụng để bứt phá:

Thứ nhất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo và sở hữu chuỗi giá trị cao hơn.

Thứ hai, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài đối tác lớn.

Thứ ba, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, biến khó khăn thành động lực cải cách và phát triển bền vững.

"Chúng ta không thể mãi gia công cho ước mơ của người khác, mà phải xây dựng ước mơ trên chính nền tảng của mình", ông Dũng nhấn mạnh.

Muốn vậy, Việt Nam cần phát huy nội lực, thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đúng như định hướng trong Nghị quyết mới của Bộ Chính trị.

Trong bối cảnh hiện nay, khái niệm hội nhập không còn dừng lại ở việc mở cửa thị trường, mà là cùng thế giới đối mặt với các vấn đề chung: biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, số hóa, đổi mới sáng tạo...

Theo ông Phạm Quang Vinh, Việt Nam đã, đang và sẽ đóng vai trò ngày càng rõ nét hơn trong các cấu trúc toàn cầu.

"Chúng ta không còn chỉ là một phần trong chuỗi cung ứng, mà đang dần là người định hình chuỗi. Không còn là người thụ hưởng các thỏa thuận, mà là người đồng kiến tạo luật chơi", ông Vinh khẳng định.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm được công bố cách đây ba ngày cũng đã chỉ rõ: Việt Nam cần một tâm thế mới, vị thế mới và cách tiếp cận mới. Không chỉ hội nhập sâu rộng, mà phải là hội nhập đầy đủ, bao gồm cả chính trị, kinh tế và văn minh nhân loại.

Đối mặt áp lực thuế từ Mỹ: Việt Nam biến thách thức thành cơ hội chiến lược - Ảnh 6.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay trong tối 4/4.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng phân tích, nếu như trước đây, Việt Nam có thể thụ hưởng phần nào từ sự bảo hộ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, thì nay, thế giới đã thay đổi.

"Chúng ta đã khác. Không còn là quốc gia thu nhập thấp. Không thể tiếp tục tư duy theo lối cũ. Phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng và phải chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế, phát triển khoa học công nghệ", ông Dũng chia sẻ thêm.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh: trong thời đại chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn – nơi chỉ cần vài năm là đã định hình một mô hình kinh tế mới, Việt Nam không thể đứng ngoài.

Bên cạnh những thuận lợi về quan hệ đối tác chiến lược, mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do và vị thế ngày càng tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức: đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động ngày càng cao từ các thị trường lớn. Rủi ro địa chính trị và bất ổn toàn cầu, từ xung đột thương mại, dịch chuyển chuỗi cung ứng đến biến động tài chính...

"Ứng phó trước mắt là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là biến áp lực thành động lực để thực hiện các chuyển đổi chiến lược: tăng nội lực, nâng sức chống chịu, và nắm bắt các xu thế lớn của thời đại", ông Vinh nhận định.

80 năm trước, Việt Nam còn chưa xuất hiện trên bản đồ thế giới với tư cách một quốc gia độc lập. Thế nhưng đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia – một cột mốc khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh của đất nước trên trường quốc tế.

Trong bài viết "Vươn lên cùng hội nhập quốc tế", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của phát triển thịnh vượng và hùng cường. Điều đó đòi hỏi đất nước phải có tâm thế mới, tư duy và cách tiếp cận mới phù hợp với yêu cầu thời đại.

Về hội nhập quốc tế, Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ: từ tiếp nhận sang chủ động đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ; từ vị thế của một quốc gia đi sau sang vai trò tiên phong trong các lĩnh vực mới, qua đó không ngừng nâng cao tầm ảnh hưởng trên bản đồ thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước