Năm 2024, Việt Nam đạt ba chỉ số dẫn đầu thế giới: nhập khẩu công nghệ cao, xuất nhập khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Thành tựu này khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với các tập đoàn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Các doanh nghiệp Việt Nam thực sự giữ lại bao nhiêu phần trăm giá trị từ các sản phẩm này? Điều cần quan tâm không chỉ là doanh thu mà là khả năng các doanh nghiệp trong nước hấp thụ và làm chủ công nghệ ngay tại Việt Nam.
Năm 2024, Việt Nam đạt ba chỉ số dẫn đầu thế giới: nhập khẩu công nghệ cao, xuất nhập khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2024, diễn ra ngày 15/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu một câu hỏi mang tính chiến lược: Chúng ta đóng góp bao nhiêu phần trăm giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu? Câu trả lời này sẽ quyết định tương lai của nền khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kinh tế số Việt Nam.
Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2024, đã được tổ chức vào ngày 15/1
Trong hàng chục năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thu hút các tập đoàn công nghiệp công nghệ lớn trên thế giới. Từ các lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy đến điện tử, vi mạch, điện thoại di động và mới đây là chất bán dẫn, Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, giá trị thực sự mà nền kinh tế trong nước giữ lại vẫn rất hạn chế. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp trong nước chưa thể tham gia vào các khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), mà chủ yếu dừng lại ở việc lắp ráp, gia công và đóng gói. Theo một số liệu thống kê, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 100% giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện, nhưng lại phải nhập khẩu đến 89% giá trị linh kiện đó.
Ví dụ điển hình là Samsung, một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam từ năm 2008. Tại Thái Nguyên, trong số 60 doanh nghiệp đối tác cấp một cung ứng cho Samsung, chỉ có 5 doanh nghiệp là của Việt Nam, còn lại 55 doanh nghiệp là nước ngoài. Tại Bắc Ninh, nơi có 176 đối tác cấp một nhưng đến 164 doanh nghiệp nước ngoài. Thực trạng này không khác nhiều so với 20 năm trước, khi năng lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa đủ khả năng tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao.
"Trong 20 năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong chuỗi cung ứng, nhất là trong ngành công nghiệp chế tạo và chế biến. Tuy nhiên, nhìn chung, Việt Nam vẫn ở các khâu giá trị thấp trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Nguyên nhân chính là các tập đoàn toàn cầu kiểm soát chuỗi cung ứng và họ là người quyết định ai được tham gia. Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam, dù đã sản xuất được linh kiện như vỏ điện thoại, nắp đèn xe, linh kiện nhựa, và linh kiện dập, nhưng vẫn chủ yếu tập trung ở phần bên ngoài, chưa tiếp cận được các khâu công nghệ cao bên trong. Để tiến sâu hơn, đòi hỏi không chỉ năng lực của doanh nghiệp mà còn sự thay đổi tổng thể về chiến lược và công nghệ", bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cho biết.
Bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam chia sẻ về năng lực của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
Theo Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày đã có sự cải thiện đáng kể trong 10 năm qua, từ mức 40% lên trung bình 55 – 60%. Đây là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, ngành vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là đối với các dòng sản phẩm cao cấp. Nguyên phụ liệu sản xuất trong nước chủ yếu đáp ứng phân khúc trung bình và trung bình khá, khiến giá trị gia tăng của ngành chưa cao.
Ngành công nghiệp da giày, túi xách tại Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu
"Hiện tại, năng lực nội tại của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn lao động dồi dào và chi phí lao động tương đối thấp. Điều này cho phép Việt Nam đảm nhận những công đoạn gia công mà nhiều nước phát triển không còn thực hiện. Đây chính là lợi thế cạnh tranh mà thị trường mang lại", bà Bình chia sẻ.
Theo bà Bình, kỳ vọng về các doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư nước ngoài) chuyển giao công nghệ và liên kết với doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là các công ty đầu chuỗi và tập đoàn FDI thường đã có sẵn chuỗi cung ứng của riêng họ, với các đối tác lâu năm đảm nhận những phần quan trọng trong chuỗi giá trị. Việt Nam có lợi thế về hạ tầng, lao động giá rẻ và chính sách thuế ưu đãi. Do đó, khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, họ chỉ tận dụng các yếu tố này thay vì chuyển giao công nghệ hay tìm kiếm đối tác nội địa.
Nếu Việt Nam muốn các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, bao gồm các biện pháp thúc đẩy, ép buộc hoặc khuyến khích việc chuyển giao công nghệ. Chỉ như vậy, "tổ cho đại bàng" mới thực sự trở thành nơi để các "đại bàng" sinh sôi, phát triển lâu dài, thay vì chỉ tận dụng lợi ích ngắn hạn và rời đi.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phần lớn chỉ dừng lại ở vai trò nhà cung cấp cấp ba. Đây là nhóm doanh nghiệp sản xuất các nguyên liệu đầu vào đơn giản, linh kiện ít giá trị gia tăng, và thường không có sự liên kết trực tiếp với các công ty đầu chuỗi. Điều này khiến họ khó tiếp cận công nghệ và kiến thức cần thiết để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Dù vậy, thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực không ngừng để khẳng định năng lực và vai trò của mình trong chuỗi cung ứng, góp phần cải thiện vị thế của ngành sản xuất trong nước.
Một doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực chế biến và chế tạo, cung cấp từ 90.000 đến 100.000 sản phẩm quạt gió và xe hơi cho thị trường Bắc Mỹ trong sáu năm
"Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được xem là một cú hích lớn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là cơ hội để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với trọng tâm là doanh nghiệp – được coi là động lực, chủ thể và nguồn lực chính. Theo Nghị quyết, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước sẽ tăng lên 2% GDP. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là việc thực hiện. Nếu nghiên cứu khoa học công nghệ tách rời thực tiễn sản xuất, sẽ không đem lại hiệu quả. Đổi mới công nghệ không chỉ dừng ở nghiên cứu mà còn cần ứng dụng, mua sắm và tối ưu hóa quản trị sản xuất để cạnh tranh về chất lượng và giá thành", bà Bình nhận định.
Cũng theo bà Bình, ngoài công nghệ, doanh nghiệp cần vốn lớn để đầu tư máy móc, nhà xưởng, trong bối cảnh giá đất khu công nghiệp tăng cao và cạnh tranh gay gắt với FDI. Sau khi giải quyết vấn đề đất đai, máy móc và vốn, bài toán nhân lực và ứng dụng công nghệ mới thực sự bắt đầu. Đây là những thách thức mà doanh nghiệp cần vượt qua để tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 57.
Máy đúc nhựa, với chi phí đầu tư lên đến 4 tỷ đồng, được sử dụng để sản xuất khay đựng máy in – một linh kiện quan trọng phục vụ các doanh nghiệp nước ngoài
Không một tập đoàn lớn nào trên thế giới mà không bắt đầu từ những doanh nghiệp nhỏ. Các nhà cung cấp thiết bị hàng đầu cũng từng khởi nguồn từ các doanh nghiệp quy mô nhỏ, với chi phí nghiên cứu và phát triển rất lớn. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và phát triển được các sản phẩm công nghệ cao có chất lượng tương đương với các nhà cung cấp lớn trên thế giới. Tuy nhiên, họ vẫn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá thành do doanh nghiệp nước ngoài sở hữu lợi thế về quy mô, thị trường lâu năm và chính sách linh hoạt trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Do đó, rất cần những chủ trương đột phá để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu, thử nghiệm và làm chủ công nghệ mới. Đồng thời, việc hỗ trợ nguồn lực dài hạn sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển nội lực, tạo tiền đề để vươn xa và lớn mạnh hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!