Doanh nghiệp Việt linh hoạt ứng phó thuế đối ứng

Kate Trần-Thứ sáu, ngày 04/04/2025 06:47 GMT+7

bangdatally.xyz - Thuế quan đối ứng của Mỹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế cũng như hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt cần linh hoạt ứng phó để vượt qua thách thức.

Hàng Việt xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức

Không nằm ngoài vòng ảnh hưởng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, mức thuế quan đối ứng đối với tất cả đối tác thương mại của Hoa Kỳ vừa được công bố ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế cũng như hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp nước ta sẽ phải đối mặt với thách thức lớn.

Cụ thể, với công bố thuế quan của Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ thiết lập mức thuế nhập khẩu cơ bản ban đầu là 10% đối với hầu hết các quốc gia từ ngày 5/4, sau đó các mức thuế đối ứng bổ sung theo từng quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4. Đối với Việt Nam, các mức thuế này có khả năng lên tới 46%.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có thể sớm phải đối mặt với bất lợi do giá cao hơn 46% so với hàng hóa nội địa của Hoa Kỳ hoặc các sản phẩm từ các đối thủ chịu thuế quan thấp hơn Việt Nam.

Đáng chú ý, theo phân tích của giới chuyên gia, xuất khẩu của nhiều ngành công nghiệp chủ lực của nước ta có thể bị ảnh hưởng lớn, nhất là ngành điện tử, dệt may, đồ nội thất, giày dép, nông sản...

Trả lời báo giới vào sáng ngày 3/4, TS. Scott McDonald - giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, thuế quan mà Hoa Kỳ mới công bố tạo ra một tình huống chưa từng có đối với doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược tăng trưởng dựa trên khả năng tiếp cận thị trường này.

Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Thời gian qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Theo thống kê của Bộ Công thương, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang nước này đạt 119,5 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 16 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên. Điển hình, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu đạt hơn 23,2 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD; dệt may đạt 16,1 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,82 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,06 tỷ USD; giày dép các loại đạt 8,28 tỷ USD...

Còn theo thống kê cập nhật của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), tính riêng trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 19,56 tỷ USD, tăng 16,5%, tương ứng tăng 2,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường Mỹ chiếm 30,43% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, có 6 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,33 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 3,3 tỷ USD; dệt may đạt đạt 2,46 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 1,95 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD; giày dép đạt đạt 1,29 tỷ USD.

Là một ngành xuất khẩu lớn vào Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp dệt may đang rất lo lắng trước mức thuế quan sẽ phải "gánh" thời gian tới. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu dệt may Thanh Hương chia sẻ, chúng tôi đang xuất khẩu nhiều mặt hàng may mặc bình dân vào thị trường Hoa Kỳ, nếu bị áp mức thuế như Mỹ vừa công bố thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều trở ngại. Hiện lợi thế cạnh tranh lớn nhất của hàng dệt may tại thị trường này là giá cả. Mức thuế cao sẽ đẩy giá cả tăng cao và chúng ta sẽ mất dần lợi thế này.

Về câu chuyện trên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) ông Trương Văn Cẩm,  thời gian qua, ngành dệt may nước ta tập trung đầu tư đầu tư và chuyển giao công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao từ một số thị trường, nhất là Hoa Kỳ. Xuất khẩu dệt may kỳ vọng lớn vào những con số tăng trưởng tại thị trường này, tuy nhiên, với mức thuế cao, hàng Việt sẽ gặp nhiều bất lợi, có thể đối diện với nguy giảm sút đơn hàng và thị phần tại thị trường Hoa Kỳ do kém hấp dẫn hơn so với hàng hoá từ các đối thủ không bị áp thuế hoặc chịu mức thuế thấp hơn.

Ngoài ra, một số nhóm ngành hàng như gỗ, sản phẩm từ gỗ và các kim loại như thép – nhôm, nông sản - những lĩnh vực phụ thuộc lớn vào thị trường Hoa Kỳ và dễ bị tổn thương dưới bão thuế quan sẽ khiến nhiều đơn hàng bị cắt giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy...

Tìm kế sách ứng phó

Bàn về câu chuyện thuế quan của Hoa Kỳ, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) từng chia sẻ, từ năm 2024 về trước, ảnh hưởng của hàng Việt Nam từ thuế quan của thị trường Mỹ chưa lớn, tuy nhiên bối cảnh năm 2025 đã thay đổi. Ngay từ đầu năm, Bộ Công thương đã vạch ra 2 kịch bản. Trong đó đưa ra kịch bản tác động thuế quan gắt gao và chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ. Theo ông Hải, với kịch bản này, Bộ Công thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường.

Cùng quan điểm đó, trong bối cảnh áp lực như hiện tại, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra giải pháp từ từ khóa "đa dạng hóa thị trường". "Việc quan trọng cần làm trước mắt là doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu chịu tác động thuế quan của Hoa Kỳ cần rà soát lại hệ thống thị trường cũng như chuỗi cung ứng đang tham gia, để từ đó có chiến lược linh hoạt về thị trường, tìm kiếm đối tác mới trong thời gian tới. Đồng thời, doanh nghiệp phải nhanh chóng cắt giảm chi phí, tính đến bài toán "hy sinh" lợi nhuận trước mắt để trợ giá, không để thuế quan đẩy giá hàng hóa lên cao quá. Về phía nhà nước, Chính phủ cần đàm phán, đối thoại với Hoa Kỳ để làm rõ vấn đề thặng dư thương mại cũng như lợi ích của đôi bên, các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường...", ông Nguyễn Đoàn Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp phải nhanh chóng, cấp bách đẩy mạnh việc tận dụng các FTA để mở rộng thị trường, thị phần, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Hoa Kỳ. Trong đó, các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP...đang còn rất nhiều tiềm năng để doanh nghiệp khai thác. Song song với đó, các ngành sản xuất trong nước liên kết với nhau để cùng hỗ trợ, chia sẻ khó khăn và cùng tìm kiếm, liên kết sản xuất với các quốc gia không bị áp thuế để mở đường cho xuất khẩu.

Ngoài ra, theo TS. Scott McDonald, doanh nghiệp cần xây dựng các chiến lược cân bằng kết hợp đa dạng hóa thị trường, linh hoạt sản xuất và quản lý tài chính cẩn thận để vượt qua rào quản thuế quan.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, dù thách thức đang bủa vây, nhưng họ tin tưởng vào sự lãnh đạo và các giải pháp hỗ trợ, tin vào khả năng đàm phán của Chính phủ đối với Hoa Kỳ cũng như khả năng phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam trước sóng gió. Đây là dịp để nước ta nhìn nhận lại chiến lược phát triển xuất khẩu một cách bền vững hơn.

Doanh nghiệp Việt linh hoạt ứng phó thuế đối ứng - Ảnh 2.

Các chuyên gia tin tưởng vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp trước sóng gió

Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam diễn ra sáng nay, ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, tình hình hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt hơn, phức tạp hơn, khó đoán định hơn. Do đó, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước. Đồng thời, yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước