Chỉ vài giờ sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế với hơn 180 đối tác thương mại và Việt Nam cũng không nằm ngoài nhóm chịu tác động, với mức thuế suất là 46%, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chính sách cụ thể.
Đánh giá về những chính sách này, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết: "Trước hết, chúng tôi rất đồng tình với cách làm rất quyết liệt, cụ thể, sâu sát của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua và đặc biệt trong bối cảnh cấp bách như hiện nay. Chúng tôi cho rằng, chúng ta đã làm rất tốt 4 việc thời gian vừa qua. Một là chúng ta tăng cường đối thoại qua nhiều kênh khác nhau, kể cả kênh doanh nghiệp và Hiệp hội của Mỹ.
Thứ hai, chúng ta cho rà soát sắc thuế của Việt Nam và chủ động giảm một số sắc thuế qua Nghị định 73 đã ban hành thời gian vừa qua. Thứ ba, chủ động tăng nhập khẩu hàng hoá, thiết bị, dịch vụ của Mỹ qua việc Bộ trưởng Bộ Công thương sang Mỹ để chứng kiến ký kết hợp đồng 90 tỷ USD. Cuối cùng, yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan rà soát lại các mặt có liên quan đến cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để kịp thời ứng phó trong bối cảnh tình hình mới hiện nay".
Hôm qua (3/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam
Trước đó, trong ngày cuối cùng của tháng 3, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với nhiều mặt hàng. Nhìn lại cả lộ trình vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng, trước mắt sẽ còn nhiều thách thức, biến động nhưng cũng đánh giá rất cao chính sách kịp thời, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ, từ đó họ có niềm tin để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương – Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi tuyệt đối tin tưởng các cuộc đàm phán của lãnh đạo quốc gia, sẽ có những biện pháp ngoại giao mềm dẻo, các đàm phán kinh tế mềm dẻo để đem lại lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. Trong quá trình đàm phán, Chính phủ vẫn giữ vững được quan điểm để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam hơn là phải chuyển dịch đi".
GS. Vũ Minh Khương – Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore: "Rất ấn tượng vì Thủ tướng có cuộc họp ngay, triệu tập ngay sau khi nhận được tin và thể hiện quyết tâm rất cao trong lúc khó khăn, thách thức, Việt Nam càng vượt lên mạnh mẽ, thế giới cũng rất ấn tượng về vấn đề này. Nó là một cú hích chiến lược, để Việt Nam có thay đổi về cấu trúc rất đồng bộ về vấn đề tinh giản bộ máy hiện nay cũng như sáp nhập các tỉnh, thực sự chúng ta đang chuẩn bị cho nền tảng của cất cánh".
Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu ý kiến: "Tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là trong khoảng thời gian ngắn sắp tới, sẽ có những biện pháp phù hợp để đàm phán cùng Chính phủ Hoa Kỳ. Chúng tôi cho rằng đây cũng có thể là một thời điểm tốt, một cơ hội tốt để Việt Nam có thể tiến hành quá trình cải cách mạnh mẽ hơn".
TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm về phản ứng của các quốc gia trên thế giới: "Các quốc gia trên thế giới cũng đã có một số động thái, một là đàm phán như con thoi với Mỹ. Việt Nam chúng ta Thủ tướng Chính phủ cũng rất quyết liệt chỉ đạo theo hướng như vậy. Thứ hai, các nước cũng chủ động giảm thuế, tăng việc nhập khẩu hàng hoá, thiết bị từ phía Mỹ. Cuối cùng, các nước cũng bắt đầu nghĩ ra một số chính sách trong nước liên quan đến tài khoá, tiền tệ để bắt đầu có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi tác động thuế quan này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã và đang quyết liệt đi theo hướng này. Tôi cho rằng, về cơ bản rất trúng và đúng".
Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, đã có Công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế
Hai nền kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ bổ trợ cho nhau
Với Việt Nam, ngay sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, đã có Công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế. Bộ Công thương cho rằng, giữa hai bên còn không gian để trao đổi, đàm phán, để đi tới một kết quả hai bên cùng có lợi. Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính hỗ trợ nhau, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai quốc gia không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung, tương hỗ lẫn nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi quốc gia.
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ hơn.
Được biết, các mức thuế sẽ được duy trì cho tới khi Hoa Kỳ xác định được mối đe dọa do thâm hụt thương mại và sự thiếu công bằng trong thương mại được giải quyết, được khắc phục hoặc giảm nhẹ. Bộ Công thương đang thu xếp một cuộc điện đàm giữa hai Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với các đồng nghiệp tại Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) trong thời gian sớm nhất.
Trong cuộc họp ngày hôm qua, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất nhiều giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài; vừa trực tiếp, vừa gián tiếp; vừa có cụ thể, tổng thể về chính trị, ngoại giao, thương mại, ngoại giao và kinh tế… Quan trọng nhất vẫn là tinh thần, tâm thế bình tĩnh, thể hiện bản lĩnh của Việt Nam, chủ động thích ứng linh hoạt với tình hình.
TS. Cấn Văn Lực cũng đưa ra một số nhận định: "Thứ nhất, vô cùng quan trọng là chúng ta phải tiếp tục kiên trì đàm phán, đến phút chót thì thôi. Các nước cũng đi theo hướng này. Bởi vì chúng ta còn khoảng một tuần để chúng ta đàm phán. Thứ hai, cần tăng cường nhập khẩu hàng hoá, thiết bị, dịch vụ từ Mỹ, đặc biệt là chúng ta đã ký thoả thuận biên bản ghi nhớ 90 tỷ USD thời gian vừa qua thì bây giờ phải trở thành hợp đồng thực và sẽ phải có lộ trình để chúng ta rao bán hàng trong tương lai với phía Mỹ. Qua đó cũng giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Thứ ba, chúng ta cần sớm giải quyết kịp thời những băn khoăn, vướng mắc mà phía Mỹ đã và đang gặp phải và đã yêu cầu Việt Nam.
Chúng tôi đọc kỹ báo cáo 397 trang của phía Mỹ thì có 8 trang với Việt Nam, họ nêu ra vướng mắc ở 14 lĩnh vực khác nhau mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ. Cuối cùng, phải tập trung mạnh mẽ hơn nữa vào nội lực của chúng ta và Thủ tướng đã chỉ đạo phải tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế lúc này là vô cùng quan trọng, nhất là nội lực, nội tại của chúng ta. Theo đó, Đảng và Nhà nước đang rất quyết liệt cải cách lúc này, chúng ta hãy thực hiện thành công công cuộc cải cách hiện nay, đặc biệt về thể chế, tinh gọn tổ chức bộ máy và quan tâm câu chuyện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chúng ta cũng có thể cần suy nghĩ thêm một vài chính sách cần có để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp lúc này. Ví dụ liên quan chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, như vậy thể hiện sự đồng hành rất cao của Chính phủ, của Thủ tướng đối với doanh nghiệp và người dân. Như vậy có thể tin tưởng vượt qua thách thức và vẫn đảm bảo kỷ nguyên mới của chúng ta thời gian tới".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!