Đề xuất Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 14/04/2025 11:24 GMT+7

(Ảnh minh hoạ)

bangdatally.xyz - Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) bám sát 4 chính sách đã được Chính phủ nhất trí. Gồm, thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân.

Dự thảo Luật gồm 12 chương, 73 điều - giảm 20 điều tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật năm 2008.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần rà soát các quy định tại luật này đối với các luật đang sửa đổi, như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư… để có sự thống nhất về nguyên tắc áp dụng.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với Luật Phòng thủ dân sự và dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, tính khả thi trong phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng cần hoàn thiện kỹ lưỡng quy định về việc cho phép cá nhân, tổ chức đầu tư thành lập cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ, trong đó có cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ, bởi lo ngại về khả năng bảo đảm an toàn của cá nhân, tổ chức. Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị có sự thống nhất về phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật.

Đề xuất Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề năng lượng hạt nhân là vấn đề mới, việc an toàn hạt nhân phải được đặt lên trên hết, trước hết, trong khi nước ta chưa có kinh nghiệm trong vấn đề này.

Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần làm rõ cơ sở, tác động và ảnh hưởng của phân cấp, phân quyền trong thực hiện các dự án năng lượng hạt nhân. "Chủ trương các dự án lớn sẽ do Quốc hội quyết định, còn dự án cụ thể (dưới 2.000MW) sẽ chủ động giao Chính phủ quyết định chủ trương", Phó Thủ tướng nói và cho rằng, dự án Luật cần được thông qua sớm để có cơ sở khẩn trương triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo dự thảo Luật, liên quan đến chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Điều 32 quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư công; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong khi đó, Điều 34 quy định việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thiết kế cơ sở được lập trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, đồng thời phải bảo đảm đủ chi tiết để đánh giá sự phù hợp của công nghệ được lựa chọn và tính khả thi của các giải pháp thiết kế về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được lập, thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó phải có nội dung đánh giá tác động môi trường về phóng xạ.

Xem xét việc cho phép cá nhân, tổ chức đầu tư thành lập cơ sở bức xạ

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với sự cần thiết và nội dung thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Tuy nhiên cần xem xét việc cho phép cá nhân, tổ chức đầu tư thành lập cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ, trong đó có cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ, bởi lo ngại về khả năng bảo đảm an toàn của cá nhân, tổ chức.

Về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.

"Thiết kế của nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được Cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt thiết kế, trong đó có tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam; Chính phủ quy định cơ quan có thẩm quyền thực hiện thẩm định", ông Huy cho biết.

Đề xuất Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy

Trường hợp nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do các cơ quan chuyên môn của Việt Nam thiết kế thì cần bổ sung quy định về việc tuân thủ yêu cầu về an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA.

Về ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất giữa nội dung các kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia, cũng như tính khả thi, chặt chẽ của các kế hoạch. Bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với Luật Phòng thủ dân sự và dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, tính khả thi trong phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước