Để tăng trưởng GDP 8%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 25/04/2025 14:12 GMT+7

bangdatally.xyz - Để đạt tăng trưởng GDP 8% thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%.

Nền kinh tế đang "dễ bị tổn thương"

Sáng 25/4, phát biểu tại Toạ đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước", ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nhấn mạnh đến vai trò của tiêu dùng nội địa đối với tăng trưởng GDP, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025.

Cùng với sự tăng trưởng của GDP, tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng tăng dần trong các năm. Nếu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 là gần 4,4 triệu tỷ đồng thì con số này đến năm 2024 đã đạt 6,39 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.

Để tăng trưởng GDP 8%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi - Ảnh 1.

Ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)

Ông Thắng nhấn mạnh tín dụng và tiêu dùng nội địa có quan hệ chặt chẽ với nhau. Như trong năm 2024, tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng thường chiếm tỷ lệ 12-15% trong tổng tín dụng cả nước.

Song theo đại diện Eximbank, chi tiêu hộ gia đình vẫn tăng, nhưng tỷ trọng so với GDP lại đang giảm cho thấy người dân dường như có xu hướng chi tiêu ít hơn so với quy mô của nền kinh tế, không đi cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP.

Tín dụng toàn nền kinh tế vẫn tăng trưởng đều, tuy nhiên tốc độ tăng dư nợ cho vay tiêu dùng đang chậm lại. Tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng/tổng dư nợ toàn nền kinh tế cũng giảm. Tổng dư nợ năm 2023 là gần 15%, nhưng đến năm 2024 tỷ trọng này lại giảm về còn 12%.

"Nền kinh tế Việt Nam đang bị phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu mà thiếu sức cầu nội địa ổn định sẽ dễ bị "tổn thương" trước các "cú sốc toàn cầu". Cú sốc này cũng được thể hiện ở thị trường vốn và thị trường tiêu dùng nội địa", ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Thắng cho rằng, nếu chỉ "bơm" tín dụng tiêu dùng mà không có các giải pháp thực chất để tăng thu nhập và niềm tin tiêu dùng, thì dòng tín dụng sẽ không phát huy hết tác dụng lan tỏa đến kinh tế thực. Đồng thời, khi tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình yếu, toàn bộ nền kinh tế mất đi "trụ đỡ" quan trọng, tăng trưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu – vốn dễ tổn thương trước biến động toàn cầu.

Doanh nghiệp cần đi bằng "hai chân"

Nêu quan điểm về phát triển thị trường nội địa, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhấn mạnh, đây là thị trường đầy hấp dẫn với hơn 100 triệu dân cùng phân khúc thu nhập trung bình, khá ngày càng chiếm số đông.

"Đây là thị trường rất tiềm năng cũng như là một "pha" an toàn cho doanh nghiệp bên cạnh việc tìm kiếm những thị trường mới", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Đại diện VCCI đánh giá, trong bối cảnh hàng rào thuế quan đang được các nước dựng lên bên cạnh những yếu tố bất trắc, thị trường trong nước là cơ hội cho các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam. Doanh nghiệp muốn vững chắc cần phải đi bằng "hai chân" - thị trường nước ngoài và trong nước.

Để tăng trưởng GDP 8%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi - Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI

Ông Đậu Anh Tuấn nhận định, trong bối cảnh hiện tại, thị trường trong nước đang đứng trước áp lực rất lớn là nguy cơ chuyển hướng thương mại. Rất nhiều hàng hoá từ các nước láng giếng, như từ Trung Quốc khi không xuất vào được Mỹ sẽ xâm nhập vào thị trường các nước khác. Đặc biệt là thị trường Việt Nam.

"Việt Nam gia nhập nhiều FTA, nhiều hàng rào thuế quan đã được gỡ bỏ nên sức ép cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam ngay tại sân nhà rất khốc liệt. Các doanh nghiệp cần luôn trong tâm thế phải phát triển, giữ được thị trường trong nước", đại diện VCCI cho biết.

Mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi

Nói về giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết để đạt tăng trưởng GDP 8% thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức khi trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch COVID-19.

"Với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, thì để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái", ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Để tăng trưởng GDP 8%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi - Ảnh 3.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương

Với tình hình trong nước và quốc tế, Bộ Công Thương đã đưa ra một số đề xuất giải pháp.

Cụ thể là kích cầu tiêu dùng nội địa. Với chiến dịch truyền thông quốc gia, tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam, nhấn mạnh chất lượng và giá trị của hàng hóa nội địa.

Ngoài ra là hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Chính sách tài chính ưu đãi - Đề xuất phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Cùng với đó Bộ Công Thướng sẽ đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường. Theo ông Tuấn, Bộ Công Thương dự kiến xây dựng nền tảng dữ liệu để theo dõi cung-cầu và giá cả, ứng dụng công nghệ hiện đại để dự báo và ngăn chặn rủi ro thiếu hụt hoặc tăng giá bất hợp lý.

Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa, như gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng, và chỉ đạo đồng bộ các chương trình phát triển thị trường trong nước…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước