Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, một trong những dự án trọng điểm đang được Đảng và Nhà nước chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt đã yêu cầu, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán Hiệp định khung cho dự án này trong tháng 5 tới.
Hiệp định vay vốn sẽ được ký trong tháng 11 năm nay. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu một số gói thầu sẽ phải khởi công vào cuối năm nay.
Gần 8,4 tỷ USD là tổng mức đầu tư dự kiến của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Với lợi thế giá cước thấp, khối lượng vận chuyển lớn, khi hoàn thành sẽ kết nối với đường sắt Trung Quốc, góp phần nâng cao năng lực vận tải xuyên biên giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam và khu vực.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng giám đốc Công ty Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng cho biết: "Khi chúng ta có đường sắt thì chúng tôi dự kiến lượng hàng sẽ tăng lên 20-30% và khi đó lượng xuất nhập khẩu chúng tôi đang tính toán là các tuyến dài sẽ nhiều hơn tuyến ngắn. Đặc biệt chúng ta có thể đi đường tắt qua Trung Quốc và sang châu Âu luôn. Đây là một chuỗi dịch vụ đa phương thức rất tốt cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu".
"Sẽ có ga tập kết ở các khu vực gần các cảng nước sâu nên việc vận chuyển trực tiếp bằng đường sắt thì rất thuận lợi cho các cảng biển và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời gian tới", ông Ngô Trung Hiếu - Tổng giám đốc Công ty Cảng quốc tế TIL cảng Hải Phòng cho hay.
Vốn cho đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư gần 8,4 tỷ USD, cơ chế vốn được xem là một trong những điều kiện quan trọng để dự án có thể sớm triển khai.
Vào tháng 2 năm 2025, Nghị quyết 187 được Quốc hội ban hành đã thông qua 18 cơ chế chính sách đặc thù cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Điển hình như địa phương được ứng trước vốn để làm dự án, phê duyệt dự án mà không cần điều chỉnh quy hoạch liên quan, hay áp dụng hình thức chỉ định thầu. Đặc biệt cơ chế vốn được xem là một trong những điều kiện quan trọng để dự án có thể sớm triển khai.
Khu đất 8ha sẽ là một trong các khu tái định cư được TP Hải Phòng chuẩn bị cho dự án. Tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng là gần 5.900 tỷ đồng. Thành phố cũng chủ động bỏ thêm 5.100 tỷ đồng nữa để xây một nhánh đường sắt kết nối từ tuyến chính đến khu cảng Nam Đồ Sơn. Như vậy gần 11.000 tỷ đồng được Hải Phòng đề xuất góp vào dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Hải Phòng cho biết: "Trên tinh thần đó chúng tôi đã họp ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, các thành phần và hiện nay chúng tôi đã đi thực địa và thực hiện tổ chức triển khai dự án giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng tái định cư".
Khu cảng nước sâu Lạch Huyện của Hải Phòng sẽ là điểm cuối mà tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chạy tới. Tổng chiều dài qua TP Hải Phòng khoảng 66km.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 8,4 tỷ USD, tương đương hơn 203.000 tỷ đồng, dùng vốn ngân sách Nhà nước huy động từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu Chính phủ, các nguồn vốn hợp pháp khác và có thể sử dụng cả nguồn vốn vay có lãi suất hợp lý.
Ông Nguyễn Khánh Tùng - Phó giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt, Bộ Xây dựng cho biết: "Hiện tại chúng tôi cũng đang phối hợp với các cục vụ của Bộ Xây dựng chuẩn bị các điều kiện để báo cáo Bộ Tài chính, phối hợp với các cơ quan làm việc với các nhà tài trợ phía cơ quan hữu quan để tìm kiếm các nguồn vốn để thực hiện dự án".
Việc đầu tư dự án được kỳ vọng tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đáp ứng nhu cầu vận tải, mở ra không gian phát triển kinh tế mới.
Kết nối hành lang vận tải lớn thứ 2 cả nước
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau hành lang kinh tế Bắc - Nam.
Tại khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện, Hải Phòng, một số doanh nghiệp cảng cho biết họ sẵn sàng đầu tư các nhánh đường sắt để kết nối với tuyến chính Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào tận cầu cảng. Sự kết nối này sẽ góp phần tạo ra một mạng lưới vận tải đa phương thức, với mục tiêu trở thành các trung tâm trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với quốc tế.
Tại đầu Hải Phòng dự kiến có 3 ga nằm tại các khu vực cảng biển Lạch Huyện, Đình Vũ và Nam Đồ Sơn. Việc kết nối với các trung tâm logistics sẽ giúp đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khai thác mạng lưới của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: "Nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá rất cao. Đây cũng chính là kết nối ngắn nhất từ phía Tây Nam Trung Quốc về với biển. Khi kết nối tuyến này nó đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách hàng hoá rất cao của hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng".
Việc có thêm dự án đường sắt với khổ tiêu chuẩn 1.435mm và tốc độ thiết kế chạy tàu 160km/h sẽ góp phần kết nối các phương thức vận tải đường sắt, đường biển, đường bộ để giảm chi phí logistics.
Ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Ngay từ quy hoạch chúng tôi đã tính đến việc này và trong quá trình đầu tư xây dựng dự án cũng sẽ dự kiến đến việc khai thác kết cấu hạ tầng này trong đó có kết cấu hạ tầng đường sắt là một trong những mắt xích để khai thác vận tải đa phương thức".
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau hành lang kinh tế Bắc - Nam, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa quốc tế liên tục.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài hơn 390km, đi qua 9 tỉnh, thành phố. Tốc độ thiết kế 160km/h. Phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2030. Dự án giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa liên tục, giảm chi phí và nâng cao năng lực logistics, mở ra nhiều cơ hội cho xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!