Đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 19/04/2025 08:31 GMT+7

bangdatally.xyz - Tín dụng đến cuối quý 1 năm nay đã tăng khoảng 3,9% so với cuối năm 2024. Ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp để khơi thông dòng vốn ngay từ đầu năm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp để khơi thông dòng vốn ngay từ đầu năm, tránh tình trạng tăng trưởng chậm, thậm chí bị âm như những năm trước.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến cuối quý 1 năm nay đã tăng khoảng 3,9% so với cuối năm 2024. Kết quả này được xem là tích cực hơn nhiều so với mức tăng khoảng 1,4% của cùng kỳ năm ngoái.

Hai tháng đầu năm 2024 tín dụng còn đang âm, nhưng năm nay, đến thời điểm này đã có hơn 610.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng cho vay ra nền kinh tế. Trong đó, tập trung khá nhiều vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, đầu tư, xuất khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo hết sức sát sao, yêu cầu ngành ngân hàng không được để ách tắc, chậm trễ dòng vốn. Đồng thời, yêu cầu phải có các gói tín dụng ưu đãi hết sức cụ thể, như gói hỗ trợ cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông, lâm, thủy sản; hay yêu cầu ngành ngân hàng nghiên cứu gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Chính những chỉ đạo này đã đốc thúc các ngân hàng phải đổ vốn nhiều hơn cho sản xuất kinh doanh.

Đơn hàng ổn định, doanh thu xuất khẩu khoảng 100 tỷ đồng/tháng, nên doanh nghiệp luôn cần nguồn vốn lưu động lớn cho sản xuất. Hiện họ đang được ngân hàng cấp sẵn hạn mức tín dụng, khi nào cần là có thể giải ngân ngay.

"Mình có nguồn USD ổn định, lãi suất tiền USD hiện tại 3,7%/năm. Mình vay USD thì tiết kiệm được rất nhiều chi phí và sẽ ổn định được trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình nhiều hơn", bà Nguyễn Thị Kim Hằng - Giám đốc Công ty Chế biến nông sản Thuận Phong chia sẻ.

Nguồn vốn dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm khoảng 18% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Đây là nhóm được nhiều ngân hàng dành ưu tiên, như tại ngân hàng này, chỉ trong quý 1, đã cho vay hết gần 1/2 mục tiêu giải ngân của cả năm cho nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Nghiệm - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Định chế - BVBank cho hay: "Chúng tôi chuẩn bị hạn mức cho khách hàng từ quý 4. Từ cuối quý 3 chúng tôi đã bắt đầu đưa khách hàng vào phễu. Và như vậy quý 1 chúng tôi giải ngân trong dư địa để dành thì đã đủ chỉ tiêu quý 1".

Để khơi thông tín dụng, một số ngân hàng cũng nới lỏng điều kiện vay, không bắt buộc yêu cầu tài sản đảm bảo. Thay vào đó, có thể chấp nhận cho vay khi doanh nghiệp có hợp đồng đơn hàng từ đối tác. Nhiều ngân hàng cũng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho từng ngành nghề, để đón đầu nhu cầu vay của doanh nghiệp.

"Bao giờ quý 2 tốc độ tăng trưởng có thể gấp đôi so với quý 1. Bởi đây là giai đoạn các doanh nghiệp chuẩn bị mua nguyên vật liệu, chuẩn bị cho các đơn hàng không chỉ trong quý 2, quý 3 và có thể yếu tố mùa vụ. Có rất nhiều ngành nghề ở Việt Nam cần nhu cầu vốn lớn như cà phê, tiêu, điều hay các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đây cũng là giai đoạn quan trọng", ông Nguyễn Cảnh Hùng - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp SeABank cho hay.

Lãi suất ở mức thấp cũng là lý do khiến dòng vốn dễ thẩm thấu hơn vào nền kinh tế. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 0,4% so với cuối năm 2024.

Chính sách điều hành linh hoạt giúp khơi thông dòng vốn

Đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cấp toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm để thúc đẩy cung nguồn vốn ra nền kinh tế.

Tín dụng đã tăng trưởng ngay từ đầu năm nhờ vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, cũng là sự linh hoạt trong điều hành tăng trưởng tín dụng. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cấp toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, giúp họ chủ động hơn trong việc đưa ra các kế hoạch cho vay.

Cách điều hành này đã phát huy hiệu quả, thay vì cấp hạn mức từng đợt như trước kia. Ngân hàng Nhà nước cũng từng nói, sẽ có lộ trình hướng tới việc bỏ dần "room tín dụng" - tức là bỏ việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Bởi công cụ này bị coi là hành chính.

Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì suốt hơn 10 năm qua, đây là công cụ để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát. Vì thế, việc bỏ hay không cần phải cân nhắc, lựa chọn thời điểm kĩ càng. Cách điều hành phù hợp nên là linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng, giúp dòng vốn được khơi thông.

Để hạn chế tình trạng xin - cho trong việc phân bổ chỉ tiêu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã cấp hạn mức tín dụng dựa trên xếp hạng ngân hàng. Ngân hàng cho vay tốt, nợ xấu thấp sẽ có chỉ tiêu cao hơn, và ngược lại. Cách này sẽ tránh tình trạng các ngân hàng nhỏ cạnh tranh tăng cho vay không đúng đối tượng, gây rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho hay: "Ngân hàng nhà nước cần tiếp tục sử dụng công cụ hạn mức tín dụng theo hướng linh hoạt và nới lỏng hơn các công cụ này. Hạn mức tăng trưởng tín dụng là một trong những công cụ để kiểm soát sự tăng trưởng quá nóng của tín dụng, hạn chế được tình trạng một số ngân hàng thương mại nhỏ tập trung vào tăng trưởng tín dụng quá nóng. Qua đó ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng cũng như ảnh hưởng tới nợ xấu của toàn hệ thống".

"Nếu bỏ trần tăng trưởng tín dụng, một số ngân hàng họ muốn tăng trưởng nhanh thì họ sẽ cho vay lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, các nhóm công ty có yếu tố liên quan thì như vậy vô hình chung nó sẽ đẩy rủi ro tín dụng của ngân hàng đấy lên cao", ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc điều hành, Khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi chia sẻ.

Nếu không kiểm soát hạn mức tín dụng, các ngân hàng muốn tăng tín dụng cao sẽ cần tăng huy động vốn, có thể đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Do đó, song song với quản lý tín dụng, các chuyên gia nhấn mạnh cần đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống, giúp ngân hàng đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: "Trong khi đó nếu anh có nhu cầu vay vốn và dự án có hiệu quả hoặc khả năng thanh khoản có một vấn đề nào đấy, một thời điểm nào đó, thì các ngân hàng có nguồn vốn lớn sẵn sàng cho vay trên thị trường liên ngân hàng đối với những ngân hàng nhỏ lẻ, thì họ vẫn giữ được mặt bằng như vậy, lãi suất huy động họ không điều chỉnh. Như vậy mặt bằng sẽ được ổn định, các ngân hàng sẽ không có sự biến động, cạnh tranh về lãi suất".

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tín dụng năm nay tăng trưởng khoảng 16%. Sau khi giao hết chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm, cơ quan điều hành cũng để ngỏ khả năng nới chỉ tiêu nếu kinh tế tăng trưởng tốt. Như năm 2024, những ngân hàng nào hoàn thành trên 80% chỉ tiêu, có thể chủ động nới hạn mức mà không cần xin cấp phép từ Ngân hàng Nhà nước.

Tín dụng tăng trưởng tốt giúp tạo đà cho sản xuất kinh doanh từ đầu năm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng luôn nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng cần đi đôi với đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng. Bởi nguy cơ nợ xấu luôn tiềm ẩn. Thủ tướng cũng yêu cầu đảm bảo tăng trưởng tín dụng hiệu quả, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước