Mới đây, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) - là một trong hai doanh nghiệp tư nhân, đã có văn bản gửi đến Chính phủ và các Bộ với mong muốn sẵn sàng phối hợp với Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan để nghiên cứu kỹ thuật, xây dựng phương án đầu tư sân bay Phú Quốc. IPPG đánh giá, việc mở rộng sân bay sẽ góp phần đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch - thương mại mang tầm khu vực, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh Kiên Giang nói riêng và cả nước nói chung.
IPPG do ông Nguyễn Hạnh (Johnathan Hạnh Nguyễn) làm Chủ tịch, đã đầu tư, quản lý và vận hành nhà ga quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Doanh nghiệp này tin tưởng dự án mở rộng sân bay Phú Quốc sẽ góp phần đưa huyện đảo này trở thành thiên đường du lịch - trung tâm thương mại mang tầm khu vực, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh Kiên Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Phóng viên Thời báo VTV vừa có cuộc trao đổi với ông Johnathan Hạnh Nguyễn để lắng nghe những chia sẻ của người đứng đầu IPPG về những kế hoạch dành cho Phú Quốc.
"ĐIỂM NGHẼN" ĐỂ PHÚ QUỐC THỰC SỰ CẤT CÁNH LÀ SÂN BAY
P.V: Xin chào ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Mới đây IPPG đã gửi đề xuất đến Chính phủ với mong muốn được đầu tư sân bay Phú Quốc. Xin ông chia sẻ về kế hoạch này?
- Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Việc Việt Nam đăng cai Hội nghị APEC 2027 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, không chỉ là một sự kiện ngoại giao quan trọng mà còn là cơ hội để khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Đây cũng là dịp để Phú Quốc - hòn đảo ngọc của Việt Nam - vươn mình trở thành trung tâm du lịch quốc tế, cạnh tranh với những điểm đến hàng đầu như Bali hay Phuket. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc trở thành một nhiệm vụ cấp bách, vừa để đáp ứng yêu cầu trước mắt của APEC 2027, vừa đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của du lịch quốc tế đến năm 2050.
APEC 2027 dự kiến sẽ thu hút hàng nghìn đại biểu, doanh nhân, chuyên gia, các cơ quan thông tấn báo chí… từ 21 nền kinh tế thành viên, cùng hàng chục lượt khách du lịch đi kèm. Với công suất thiết kế hiện tại - chỉ đáp ứng khoảng 4 triệu hành khách mỗi năm, cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu của hành khách nội địa. Nếu không kịp thời mở rộng, Phú Quốc khó lòng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không trong Tuần lễ Cấp cao APEC nói riêng cũng như sự tăng trưởng của du khách qua từng năm trong thời gian tới.
Có thể nói "đầu ra" đã phình to rồi, còn "đầu vô" đang bị tắc nghẽn.
Nắm bắt điều này, IPPG đã dành 3 năm để chuẩn bị từ sớm cho dự án xây dựng nhà ga T2 tại Phú Quốc, chủ động làm việc với các tập đoàn tư vấn, thiết kế uy tín hàng đầu thế giới, có kinh nghiệm xây dựng những sân bay ấn tượng trên thế giới như công trình tại Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, Australia…; trình lên Chính phủ và các bộ, ngành phương án để có thể lập tức triển khai khi nhận được sự chấp thuận từ các cấp.
Nhiều người gọi tôi là "ông vua hàng hiệu" nhưng tôi có hơn 40 năm làm về ngành hàng không. Tôi mong muốn đóng góp cho Việt Nam một nhà ga trong mơ, để "đảo ngọc" Phú Quốc vươn mình ra thế giới, để du khách tới với hòn đảo này có thể cảm nhận được ngay từ khi hạ cánh xuống Phú Quốc của Việt Nam rằng: Đây chính là cánh cổng đến với thiên đường du lịch - mua sắm.
Một trong nhiều phối cảnh nhà ga quốc tế Phú Quốc do IPPG đề xuất. (Ảnh: IPPG)
Các phương án xây dựng mở rộng sân bay Phú Quốc được IPPG đề xuất, được thực hiện bởi tập đoàn CPG Airport - đơn vị thiết kế sân bay Changi (Singapore) - sân bay được đánh giá là "tuyệt vời nhất thế giới".
Tôi khát khao chứng minh rằng Việt Nam có thể làm được, có thể trở thành một trong những cường quốc về hàng không trên thế giới.
Vậy có nghĩa theo ông một trong những điểm cốt lõi để Phú Quốc thực sự vươn mình chính là sân bay?
- Đúng là như vậy. Để tới Phú Quốc, các phương tiện khác đều gặp nhiều hạn chế, cách tiếp cận trực diện nhất với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, chính là đường hàng không. Phú Quốc hiện tại mới chỉ có 1 đường băng, trong khi đó, tiêu chuẩn tối thiểu để phát triển đối với bất cứ 1 thiên đường du lịch nào là có ít nhất 2 đường băng cất cánh và hạ cánh.
Nói về tiềm năng của Phú Quốc, nhiều nhà đầu tư bất động sản đã đón thời cơ và "đi trước", đầu tư tại đây từ vài năm nay rồi. Hiện nay công suất phòng nghỉ còn thấp lắm, nhưng số lượng phòng nghỉ có thể nói đã phát triển bùng nổ, tôi đánh giá hoàn toàn đáp ứng được lượng lớn du khách quốc tế, đủ mọi nhu cầu - 3 sao, 5 sao - phù hợp tiêu chuẩn của một "đảo ngọc du lịch". Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đang gấp rút triển khai nhiều phương án phát triển hạ tầng.
Các nhà đầu tư bất động sản đến xây dựng khách sạn, resort đẹp 5 sao 6 sao - hạ tầng cơ sở "để cho Nhà nước lo" nhưng sân bay còn bỏ quên.
Điểm nghẽn có thể nói chính là nhà ga. Giả dụ nhà ga như cái bao tử chẳng hạn, lẽ ra mình chỉ tiêu hóa được 10 phần thôi, nhưng lại nạp vào 20 phần thì sẽ có vấn đề xảy ra ngay. Làm sao tăng được công suất đón khách, khi lượng khách tối đa có thể tiếp mỗi ngày không còn dư địa để tăng?
PHÚ QUỐC NHƯ "NÀNG CÔNG CHÚA NGỦ TRONG RỪNG"
Nếu phương án đề xuất được chấp thuận, IPPG sẽ làm được gì cho Phú Quốc?
- Tôi có thể xây sân bay, người khác cũng có thể xây sân bay. Nhưng cốt lõi là có kinh doanh hiệu quả hay không? Có đưa khách được vào hay không? Tôi xin cam kết, tôi làm được. Tôi nghĩ bản thân tôi hay IPPG không cần phải chứng minh về điều này nữa rồi (cười).
Phú Quốc có biển, Cam Ranh cũng có biển. Sơ khai của Phú Quốc là điểm thu hút nhưng liệu điều đó có đủ để thu hút khách đến với riêng xứ đó hay không? Lịch sử đã chứng minh, có những nhà ga đầu tư tiền tỷ, tiền trăm triệu USD nhưng vẫn vắng khách.
IPPG đề xuất được tham gia đầu tư, phát triển Nhà ga hành khách T2 Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc với công suất ban đầu 6 triệu hành khách/năm và cũng được thiết kế nhằm mở rộng công suất lên 8 triệu hành khách/năm ở giai đoạn kế tiếp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu dài hạn.
Tại điểm đến Cam Ranh (Khánh Hòa) - nơi IPPG là cổ đông lớn nhất, mới đây thôi, có công ty lữ hành vừa ngồi lại với chúng tôi để cam kết cả trăm chuyến bay/tháng. Và đó chỉ là một trong rất nhiều đối tác của chúng tôi. Vì họ tin vào uy tín 4 thập kỷ của IPPG và của Johnathan Hạnh Nguyễn.
Phối cảnh khu phi thuế quan với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng của IPPG tại Phú Quốc - điểm nhấn là Trung tâm bán hàng giảm giá quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Với danh xưng là "vua hàng hiệu", nắm trong tay 139 thương hiệu, tôi có khả năng tự chủ động đầu tư và xây dựng không gian mua sắm phi thuế quan đạt chuẩn quốc tế ngay cạnh sân bay.
Bên cạnh đó, IPPG đã có những đối tác quốc tế lâu năm và kinh doanh các thương hiệu F&B nổi tiếng, hợp khẩu vị khách quốc tế. Các đối tác quốc tế này luôn sẵn sàng đồng hành với Johnathan Hạnh Nguyễn ở bất cứ nơi đâu… Rồi những món ăn Việt Nam đạt chuẩn cũng sẵn sàng đón khách ngay tại sân bay.
Sau gần 50 năm trên thương trường, những hồ sơ trong quá khứ đủ để chứng minh rằng, bất cứ dự án nào từng được IPPG của Johnathan Hạnh Nguyễn đầu tư, đều thành công. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của IPPG so với các nhà đầu tư khác.
Nói đến đầu tư, là phải nói đến tiền, ông có thể nói gì về "tiền"?
Tôi xin thẳng thắn rằng IPPG không ngại đầu tư, có những sự chuẩn bị chắc chắn về nguồn vốn, nhưng không muốn lãng phí. Với IPPG và Johnathan Hạnh Nguyễn, điều gì có lợi cho Đất nước thì làm. Chúng tôi không muốn lãng phí, không muốn ôm trọn, chỉ mong muốn làm sao để Nhà nước và tư nhân cùng đồng hành.
Tổng Bí thư và Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần "hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí" trong các dự án đầu tư công. Với sân bay Phú Quốc, điều này đòi hỏi một cách tiếp cận thông minh, vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa tránh thất thoát nguồn lực. Thủ tướng đã chỉ đạo tỉnh Kiên Giang kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân để giảm áp lực lên ngân sách nhà nước.
Tuy là tiền của tư nhân đấy, nhưng sau này chuyển giao cho Nhà nước, phải xem lại sự thiết thực của từng đồng vốn đầu tư.
Về nhu cầu du khách đến với Phú Quốc, chúng ta tính toán được. Chúng ta tính toán được mỗi ngày bao khách. Mùa cao điểm là bao nhiêu, mùa mưa là bao nhiêu. Từ đó, có những phương án vận hành riêng cho từng thời điểm, theo mùa, theo ngày. Đó là sự tiết kiệm, tiết kiệm cho Nhà nước, cho doanh nghiệp, cho đối tác…
Tôi không vỗ ngực xưng tên, nhưng giữ được uy tín của Johnathan Hạnh Nguyễn đến ngày hôm nay là hơn 40 năm theo đuổi triết lý: Sống và làm việc theo quy định của pháp luật. Đầu tiên là lợi ích của nhà nước, của người dân, của các đối tác, sau đó mới đến công ty...
Qua những gì đã chia sẻ, dường như ông rất "đắm đuối" với Phú Quốc? Tại sao?
Phú Quốc như một "nàng công chúa còn đang ngủ trong rừng", còn đẹp lắm, chưa "chàng trai" nào để ý đâu. Phú Quốc còn chưa biết "trang điểm" nữa kìa.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ về lý do "đắm đuối" với Phú Quốc.
Chính phủ ta đã nhìn thấy được điều này. Đó là lý do APEC 2027 được tổ chức tại đây và sau đó là Tầm nhìn Du lịch tới năm 2050. Tài nguyên thiên nhiên còn dồi dào, còn đẹp lắm. Chính vì vậy mà Thủ tướng kêu gọi khai phá tiềm năng của Phú Quốc. Bên cạnh việc đầu tư vể hạ tầng hàng không thì chúng tôi cũng sẽ thành lập công ty bất động sản để tham gia vào phần xây dựng và đồng bộ phát triển hạ tầng chung của Phú Quốc với mục tiêu đưa Phú Quốc cất cánh trong tương lai.
4 phương án kiến trúc IPPG đề xuất xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc
Còn tôi thì đã lớn tuổi, kiếm tiền với tôi không còn quá quan trọng nữa. Mong ước lớn nhất của tôi lúc này, có lẽ là được làm và làm nên 1 nhà ga hoàn mỹ, đẳng cấp, hơn tất cả những nhà ga IPPG đã và đang vận hành. IPPG và cá nhân tôi, chắc chắn sẽ vô cùng tự hào vì cống hiến cho đất nước, một công trình sân bay, sánh ngang với bất cứ nơi đâu trên thế giới, góp phần thay đổi bộ mặt của Phú Quốc nói riêng, của kinh tế du lịch Việt Nam nói chung!
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!