Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước sáng 15/4, ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) cho biết, tập đoàn chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ xu hướng công nghệ, dịch chuyển năng lượng và đặc biệt là rất nhạy cảm với các vấn đề về địa chính trị như thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ, tỷ giá, lãi suất…
Trong bối cảnh đó, tập đoàn vẫn đặt ra mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng và của Bộ Tài chính là tăng trưởng ít nhất 8%. Ông Hùng cho biết tập đoàn tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn.
Một là về quản trị, Petrovietnam đã xây dựng, kể cả những kịch bản xấu nhất khi giá dầu xu hướng tới 55 USD/thùng và phân bổ cấu trúc lại các nguồn lực cho các lĩnh vực, đồng thời đưa ra chính sách quản trị linh hoạt trong kinh doanh và cho nhà đầu tư và quản trị rủi ro.
Hai là tập trung vào đa dạng và mở rộng, cơ cấu lại thị trường, tập trung vào thị trường trong nước, liên kết chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế trong nước.
"Petrovietnam cũng đang chốt các điều khoản cuối cùng và dự kiến tháng 6 tới sẽ ký được 2 hợp đồng xuất khẩu sang Đông Bắc Á và sang châu Âu khoảng 1 tỷ USD liên quan đến công nghiệp năng lượng", ông Hùng thông tin.
Ba là tập trung vào quản trị danh mục đầu tư gắn với quản trị vốn, tài chính và dòng tiền, kiểm soát các biến động liên quan đến tỉ giá và lãi suất, đặc biệt là các cái dự án lớn trong danh mục đầu tư của Petrovietnam.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam phát biểu tại Hội nghị
Chủ tịch Lê Mạnh Hùng cho biết, tính từ nay đến cuối năm, gần như tháng nào Petrovietnam cũng sẽ đưa một công trình vào vận hành thương mại, như tháng 5 có dự án Đại Hùng 3 vào vận hành, sẽ có thêm khoảng 10.000 thùng dầu một ngày. Tháng 6 là dự án Nhân Trạch 3, tháng 7 là Kình Ngư Trắng, tháng 8 là Nhân Trạch 4…
"Trong năm nay, việc đưa vào vận hành thương mại các dự án đầu tư sẽ giúp cho Petrovietnam giữ được nhịp tăng trưởng", ông Hùng nói.
Nêu kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, ông Hùng kiến nghị Chính phủ xem xét cơ cấu lại chính sách thuế đối với tài nguyên, đặc biệt là đối với tài nguyên khí, để có thể thúc đẩy các dự án lớn đưa vào khai thác.
Tiếp đến là mô hình hoạt động Petrovietnam theo chuỗi giá trị về hệ sinh thái, do đó, kiến nghị Chính phủ cho phép tập đoàn được chỉ định cho các đơn vị trong tập đoàn thực hiện các công việc của tập đoàn. "Hiện nay, các công việc này đều phải đấu thầu, tốn rất nhiều thời gian", ông nói.
Vấn đề thứ ba ông Hùng kiến nghị là đối với dự án lớn và sử dụng công nghệ nước ngoài, kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại trong nước được tài trợ tài chính cho các dự án mà tập đoàn đang triển khai.
Yên tâm về cung ứng điện nếu không có các yếu tố quá bất thường
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tập đoàn ý thức rằng nhiệm vụ đầu tiên và trên hết là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho tăng trưởng kinh tế với tốc độ 8% hoặc cao hơn, sẵn sàng cho các kịch bản tăng trưởng hai con số.
"Với các tính toán hiện nay, sau 1 quý, chúng ta có thể yên tâm về cung ứng điện, nếu không có các yếu tố quá bất thường, rủi ro", ông An nói.
Nhiệm vụ thứ hai là EVN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng điện, bao gồm các công trình nguồn được giao trong Quy hoạch điện VIII và các công trình lưới điện. Theo ông An, Năm 2024, EVN đã giải ngân 112.892 tỷ đồng, đã hoàn thành Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng 360 MW và đóng điện 216 công trình, khởi công 102 công trình cấp từ 110 kV đến 500 kV. Năm nay, EVN vẫn tiếp tục duy trì mục tiêu cao, tổng khối lượng đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN phát biểu tại Hội nghị
"Theo con số mà chúng tôi so sánh, năm 2024, EVN đầu tư chiếm 70,56% tổng đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Như báo cáo Bộ Tài chính đã nêu, năm ngoái, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư 160.000 tỷ đồng, riêng EVN là 112.892 tỷ đồng", ông Đặng Hoàng An thông tin đồng thời nhấn mạnh bài toán là nguồn lực của các tập đoàn đầu tư chưa nhiều.
"Câu hỏi đặt ra là tại sao tổng mức đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước nói chung còn thấp, chưa phát huy hết vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế", đại diện EVN đặt vấn đề tại Hội nghị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!