Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đang trải qua những ngày đầy biến động về thương mại và thị trường tài chính, nhất là thị trường chứng khoán sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối ứng từ 10 - 50% với hơn 180 đối tác thương mại. Nhưng chưa đầy 24h sau quyết định này, Tổng thống Trump đã bất ngờ thông báo quyết định tạm hoãn kéo dài 90 ngày, với lý do hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam, những nền kinh tế đã chủ động đề nghị đàm phán và chưa có hành động trả đũa.
Với thời gian tạm hoãn 90 ngày, lãnh đạo các nền kinh tế ngay lập tức đã lên các phương án đàm phán với Chính phủ Mỹ.
Trong nước, ngay sau khi Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ. Trong hơn 1 tuần vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp 4 lần để bàn về về việc ứng phó chủ động, kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Có thể thấy, Việt Nam đã phản ứng chính sách, thực thi chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả với tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, không cầu toàn, không nóng vội. Về công việc sắp tới, Thủ tướng yêu cầu phải bám sát, nắm chắc diễn biến tình hình phức tạp hiện nay, nhanh chóng, kịp thời, đề xuất các chính sách.
Về quan điểm, mục tiêu tổng quát, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục ổn định tình hình trong nước, ổn định lòng dân, các nhà đầu tư, giúp người dân, doanh nghiệp thích ứng linh hoạt tình hình mới, giảm phụ thuộc vào một thị trường; thúc đẩy, thu hút đầu tư FDI chất lượng hơn; ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Không để xảy ra thất nghiệp, rà soát lại các đối tượng bị ảnh hưởng nhất là những ngày dệt may, da dày, đồ gỗ, thủy sản; thiết kế các chính sách phù hợp, đảm bảo đối tượng hỗ trợ phải chuẩn xác, có trọng tâm trọng điểm, trong đó có các chính sách tài khóa và tiền tệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thứ nhất là chính sách tài khóa, gồm giãn, hoãn thuế thuộc thẩm quyền Chính phủ và các bộ ngành thì phải làm ngay; về miễn thuế, các luật cần nghiên cứu sửa đổi thì tập hợp lại thì đề xuất Quốc hội ban hành một Nghị quyết. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng phải nhanh, kịp thời; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đưa nguồn lực ra nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhất là các đối tượng bị tác động; khoanh nợ, đảo nợ, giãn hoãn nợ. Chúng tôi đang chỉ đạo có một gói tín dụng khoảng 500.000 tỷ cho đầu tư hạ tầng, khoa học công nghệ… để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Những vấn đề Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ
Việt Nam đã sẵn sàng đàm phán, đề nghị hai bên sớm trao đổi cụ thể để đạt thỏa thuận về thuế quan giữa 2 nước trong thời gian sớm nhất.
Ngày 10/4 vừa qua, với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao việc bên hai đã nhất trí khởi động đàm phán thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó bao gồm các thỏa thuận về thuế quan; khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng đàm phán, đề nghị hai bên sớm trao đổi cụ thể để đạt thỏa thuận trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết Chính quyền Hoa Kỳ cử ông làm trưởng đoàn đàm phán với Việt Nam, tin tưởng hai bên sẽ sớm đạt được những giải pháp phù hợp, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại ổn định, cùng có lợi.
Ngay sau cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ đã đăng tải bức ảnh chụp chung với Phó Thủ tướng trên mạng xã hội. Đây là thông báo đầu tiên về một cuộc đàm phán chính thức với một quốc gia mà ông này đăng tải trên trang cá nhân, kể từ khi các chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ được công bố.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick, phía Mỹ khẳng định hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, cho rằng Việt Nam là nền kinh tế nhiều tiềm năng, là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ tại khu vực. Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để đàm phán, giải quyết các vấn đề đặt ra trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương, hướng đến một thỏa thuận phù hợp.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, thứ 6 tuần này đoàn đàm phán của Việt Nam với Hoa Kỳ được thành lập để trao đổi ngay với đoàn đàm phán Hoa Kỳ, hướng tới sớm đạt thỏa thuận thương mại song phương ổn định, bền vững, cùng có lợi.
Đại sứ Phạm Quang Vinh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết: "Chúng ta thấy ngay từ đầu cách tiếp cận của Việt Nam là đúng và trúng mà lại phục vụ cho lợi ích của Việt Nam vì Mỹ là 1 trong những đối tác hàng đầu về kinh tế và thương mại đối với Việt Nam. Điểm thứ 2 là chúng ta liên tục tiếp xúc, chúng ta có tiếp xúc ở cấp cao, có những chào hàng đủ mạnh đủ hấp dẫn vào đúng thời điểm, như vậy chúng ta có cơ hội từ đà thuận trong thương lượng với Mỹ. Nhưng quá trình thương lượng sắp tới sẽ còn rất khó khăn, phía Mỹ đưa ra 1 loạt quan ngại và yêu cầu mà chúng ta phải xử lý".
Đến nay, chúng ta đã có cái chào hàng, đưa thuế quan về 0%, còn nhiều vấn đề nữa chúng ta vẫn có thể cân nhắc từ lợi ích quốc gia từ quan hệ với Mỹ để có cái đàm phán sau đó cho 2 bên cùng có lợi, chẳng hạn như mua hàng của Mỹ, giảm các hàng rào phi thuế quan, hay khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ, doanh nghiệp Mỹ vào các lĩnh vực mà Mỹ có lợi chẳng hạn như công nghệ, chất bán dẫn hay AI, ông Vinh cho biết thêm.
Doanh nghiệp vững niềm tin trong biến động thuế quan
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ tinh thần chủ động, không bị động trước các biến động từ bên ngoài, sẵn sàng hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp trong tình hình căng thẳng thương mại hiện nay.
Có thể thấy, trước thách thức từ chính sách thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ngay lập tức có những quyết sách nhanh nhạy, kịp thời để bảo đảm lợi ích quốc gia. Trong thời điểm thử thách như hiện nay, những chỉ đạo được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra thể hiện rõ tinh thần chủ động, không bị động trước các biến động từ bên ngoài, sẵn sàng hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp. Những hành động này chính là sự khẳng định vai trò của Chính phủ trong việc dẫn dắt niềm tin thị trường và duy trì ổn định vĩ mô - hai yếu tố sống còn trong bối cảnh thế giới bất định hiện nay.
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết: "Mức thuế quan 46% là mức rất cao và cao hơn những đối thủ cạnh tranh, những quốc gia bạn hàng của chúng ta. Điều đó đẩy doanh nghiệp vào rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn, niềm tin bị lung lay như vậy thì những phản ứng tích cực từ Đảng, Nhà nước, đặc biệt những cuộc họp liên tục của Thủ tướng chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp có thêm niềm tin. Chúng tôi có tham gia 2 trong 4 cuộc họp đó, có những cuộc họp từ 7h đến 9h rồi Thủ tướng tiếp tục họp. Chúng tôi cảm nhận được tinh thần quyết liệt, sự phản ứng nhanh chóng và 1 tinh thần tất cả vì doanh nghiệp của Thủ tướng".
Ông Mark Gillni - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) cho hay: "Tôi nghĩ những chính sách trong thời gian vừa qua của Việt Nam cho thấy cách tiếp cận rất là thiện chí, rất kịp thời. Tôi nghĩ Việt Nam đã rất thông minh và kiên nhẫn khi không thực hiện đáp trả và cố gắng để phân tích những động thái từ phía Hoa Kỳ".
"Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong khoảng thời gian ngắn sắp tớ sẽ có những biện pháp phù hợp để đàm phán cùng Chính phủ Hoa Kỳ. Chúng tôi cho rằng đây có thể là thời điểm tốt, cơ hội tốt để Việt Nam tiến hành quá trình cải cách mạnh mẽ hơn", ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay.
Ngành dệt may tìm cách đa dạng thị trường xuất khẩu
Trong hoạt động xuất khẩu sang Hoa Kỳ, dệt may là nhóm ngành đứng thứ 3 về giá trị, với tỷ trọng chiếm 13,5%.
Về nhóm giải pháp chính sách thương mại, Thủ tướng yêu cầu tận dụng, khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do; tiếp tục mở thị trường mới như Trung Đông, Trung Á, Nam Mỹ… Từ phía doanh nghiệp họ cũng ngay lập tức phải tính toán các giải pháp để chủ động ứng biến mọi tình huống có thể xảy ra.
Trong hoạt động xuất khẩu sang Hoa Kỳ, dệt may là nhóm ngành đứng thứ 3 về giá trị, với tỷ trọng chiếm 13,5%. Trong bối cảnh biến động hiện nay, các doanh nghiệp cho biết luôn sẵn sàng các giải pháp về đơn hàng với các đối tác nhập khẩu phía Hoa Kỳ, kết hợp với mở rộng thêm thị trường để hạn chế ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Chuyên sản xuất các loại sợi và vải cao cấp để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, doanh nghiệp cho biết hiện nay các đối tác nhập khẩu của họ đang tạm thời giãn thời gian giao lô hàng tiếp theo để chờ quyết định thuế đối ứng cuối cùng.
Bà Claudia Anselmi - Tổng giám đốc Công ty Dệt và Nhuộm Hưng Yên cho biết: "Chúng tôi đang hoàn thành các lô hàng giao trước ngày 9/4, khách hàng hiện nay tần suất các đơn hàng khá dè dặt. Các thương hiệu tại Hoa Kỳ bắt đầu giảm tồn kho tại các cửa hàng, chúng tôi phải phối hợp thường xuyên với họ để linh hoạt nhận đơn".
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất khi chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp cho biết họ đã lên nhiều kế hoạch để có thể tìm các thị trường mới như Úc, New Zealand, Canada.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc Điều hành Tổng Công ty May 10 cho hay: "Chúng tôi phải tiết kiệm trên mọi mặt trận, tiết kiệm định mức cũng như tăng cường đầu tư công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất để có giá thành cạnh tranh nhất. Hiện chúng tôi đang duy trì đẩy mạnh thị trường Nhật Bản, EU, Úc và Trung Đông và một số thị trường khác".
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có lợi thế mở rộng thị trường xuất khẩu khi đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do với 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, gia tăng các sản phẩm chế biến sâu để tránh bị cạnh tranh các đơn hàng gia công.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết: "Làm mới các thị trường cũ, cụ thể ở đây những thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ. Chúng ta có thể gia tăng lượng hàng hóa mà có giá trị gia tăng cao. Sẽ tìm kiếm những thị trường mới như thị trường ở Nam Mỹ, các nước Đông Âu cũ, Trung Đông, châu Phi".
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, tìm kiếm thêm các nguyên liệu nội địa để giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!