Cacao Việt từng bước tạo ra vị thế riêng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/04/2025 15:18 GMT+7

bangdatally.xyz - Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi có thể chủ động nguyên liệu ca cao, trong khi hai quốc gia hàng đầu về chocolate là Bỉ và Thụy Sỹ lại không trồng được cacao.

Hoa Kỳ áp thuế tác động đến giá ca cao thế giới

Từ đầu tháng 4 này, Hoa Kỳ thông báo tăng thuế nhập khẩu 10% với hầu hết hàng hóa từ nước ngoài. Dù cacao không nằm trong danh sách trực tiếp bị đánh thuế, thị trường vẫn chịu tác động chung.

Lý do vì Mỹ là một trong những quốc gia tiêu thụ chocolate và cacao nhiều nhất thế giới. Khi chi phí nhập khẩu tăng, người tiêu dùng có thể mua ít lại - dẫn đến lo ngại rằng nhu cầu cacao sẽ giảm. Chính tâm lý này khiến giá cacao từ gần 13.000 USD/tấn xuống dưới 10.000 USD/tấn chỉ trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao so với mặt bằng nhiều năm trước do nguồn cung cacao toàn cầu vẫn đang thiếu hụt.

Biến đổi khí hậu đe dọa ngành ca cao Indonesia

Sản lượng cacao toàn cầu đang sụt giảm nghiêm trọng. Theo Tổ chức Cacao Quốc tế, niên vụ năm ngoái chứng kiến sản lượng toàn cầu giảm gần 11% - mức thiếu hụt lớn nhất trong gần một thập kỷ. Nguyên nhân chủ yếu do biến đổi khí hậu cực đoan tại các vùng trồng trọng điểm như Bờ Biển Ngà và Ghana - hai quốc gia chiếm hơn 60% nguồn cung cacao toàn cầu.

Tuy nhiên, giữa bối cảnh khó khăn đó, Indonesia - nhà sản xuất cacao lớn thứ ba thế giới - đang có những bước chuyển tích cực. Nông dân ở đây đang ứng dụng các mô hình canh tác thích ứng khí hậu, nhằm tăng khả năng phục hồi của cây cacao trước các thách thức của khí hậu.

Cacao là loại cây rất nhạy cảm với môi trường. Chúng chỉ phát triển mạnh ở vùng gần xích đạo, nơi có nhiệt độ và độ ẩm ổn định. Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến việc trồng cacao tại nhiều nước trên thế giới.

Cacao Việt từng bước tạo ra vị thế riêng - Ảnh 1.

Hạt cacao Việt Nam được xếp vào nhóm chất lượng cao hiếm hoi trên thế giới

Như tại Indonesia, thời tiết nóng hơn đã làm giảm năng suất cây trồng, mùa mưa kéo dài tạo điều kiện cho nấm bệnh và sâu hại phát triển. Điều này đã buộc nhiều nông dân phải chuyển sang các loại cây trồng khác.

Anh Tari Santoso - Nông dân Indonesia tâm sự: "Thất bại của chúng tôi là do không biết cách chăm sóc cây cacao đúng cách".

Để bảo vệ cây trồng, đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình, nhiều nông dân ở Sumatra, Indonesia như anh Tari Santoso đã quyết định bắt tay với các doanh nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ, thay đổi phương thức canh tác, trồng trọt.

Anh hiện đang hợp tác với Công ty Krakakoa, công ty đã giúp đào tạo hơn 1.000 nông dân trồng cacao trên khắp Indonesia. Họ được học cách áp dụng các kỹ thuật mới, như tỉa cành thường xuyên, ghép cành để giúp tăng trưởng và phòng bệnh cho cây.

Anh Tari Santoso - Nông dân Indonesia cho biết: "Trước đây, chúng tôi hiếm khi tỉa cây. Chúng tôi không hiểu gì về việc tỉa cây, chúng tôi không biết phải làm gì và thường để cây phát triển tự nhiên. Giờ đây, chúng tôi được đào tạo để trồng cacao tốt hơn, cho ra loại chocolate chất lượng cao hơn".

Không chỉ đào tạo, Công ty Krakakoa còn hỗ trợ tài chính cho nông dân. Những nông dân ở Sumatra cho biết, nhờ sự hợp tác này, họ đã thành lập được một hợp tác xã, chuyên cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho nông dân. Lãi suất sau đó sẽ được trả lại vào hợp tác xã, thay vì các ngân hàng bên ngoài cộng đồng.

Sự hợp tác giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ đang mở ra những cơ hội mới, giúp ngành cacao Indonesia phát triển bền vững trước những tác động ngày càng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

Cacao Việt Nam liên kết để bứt phá

Tại Việt Nam, hiện chỉ xuất khẩu khoảng 2.000 - 3.500 tấn cacao mỗi năm - một con số khiêm tốn so với những cường quốc như Indonesia, Bờ Biển Ngà hay Malaysia. Thế nhưng, hạt cacao Việt Nam lại được xếp vào nhóm chất lượng cao hiếm hoi trên thế giới. Thị trường tiêu thụ cacao chính của Việt Nam bao gồm Malaysia, Nhật Bản, Bỉ, Trung Quốc và Hoa Kỳ, với các sản phẩm chủ yếu là hạt cacao thô, chocolate và bột cacao.

Từng bị xem là cây trồng phụ, cacao Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình, không chỉ nhờ khí hậu và thổ nhưỡng, mà quan trọng hơn cả là sự bắt tay chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.

Tại các vùng trồng cacao trọng điểm Đắk Lắk, nông dân đang bước vào vụ thu hoạch. Nhưng khác với trước đây, việc thu hái nay được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.

Tuyệt đối không dùng tay giật trái mà phải sử dụng dao chuyên dụng để cắt cuống, tránh làm tổn thương cây. Sau đó, trái được tách vỏ trong vòng 24 giờ và ủ lên men theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp.

Khoảng 10 năm trước, hàng trăm hộ dân Đắk Lắk từng đốn bỏ cacao vì giá thấp, đầu ra bấp bênh. Thế nhưng giờ đây, nhờ có doanh nghiệp liên kết, cây cacao đang hồi sinh mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc HTX Ena, huyện Krông Na, Đắk Lắk chia sẻ: "Cacao hiện nay hạt lên men theo chất lượng yêu cầu của công ty đề ra, hiện tại đang thu mua với giá từ 235.000 đồng – 240.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập cho bà con tương đối cao"

Không chỉ dừng lại ở nguyên liệu thô, nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào chế biến sâu. Chocolate "Made in Vietnam" hiện đã có mặt tại hơn 20 quốc gia.

Ông Justin Jacquat - Quản lý Cacao khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhận định: "So với Malaysia, Indonesia hay Bờ Biển Ngà, sản lượng cacao Việt Nam còn rất nhỏ. Nhưng chính sự nhỏ này lại là thế mạnh: chất lượng cao, hương vị độc đáo, tạo ra phân khúc riêng cho thị trường cao cấp".

Theo nhận định các chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi có thể chủ động nguyên liệu ca cao, trong khi hai quốc gia hàng đầu về chocolate là Bỉ và Thụy Sỹ lại không trồng được cacao. Từ những mảnh vườn nhỏ ven sông Mekong, cacao Việt đang từng bước tạo ra vị thế riêng, bền vững và đầy hứa hẹn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước