Sau cơn sốt livestream: Trung Quốc đang siết chặt
690 tỷ USD là doanh thu tạo từ thị trường livestream hay còn gọi là thương mại trực tiếp tại Trung Quốc vào năm 2023, với hơn 15 triệu người hành nghề. Nhiều người tham vọng trở thành idol livestream sẵn sàng đầu tư số tiền rất lớn vào các chương trình đào tạo.
Các công ty thường tính phí hàng nghìn NDT, quảng cáo mình có rất nhiều lớp học nâng cao để giúp học viên đổi đời. Rất nhiều người đã vỡ mộng vì hầu hết lớp học này không như những gì đã hứa hẹn. Suy thoái kinh tế đang thúc đẩy làn sóng sa thải nhân viên tại các công ty đứng sau nhiều nền tảng phát trực tuyến. Nhiều báo cáo tại Trung Quốc cũng đã chỉ ra vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật đang tác động tiêu cực tới lĩnh vực livestream bán hàng tại nước này.
Vì thế, nhiều quy định đã được đưa ra để siết chặt cũng như quản lý ngành công nghiệp tỷ đô khiến cho "bong bóng" livestream tại Trung Quốc đứng trước rủi ro nổ tung bất cứ lúc nào.
Sau một thời gian phát triển nóng, lĩnh vực bán hàng qua phát trực tiếp hay còn gọi là livestream tại Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại, với tốc độ tăng trưởng kép trong vòng hai năm tới dự kiến chỉ còn khoảng 15%, so với mức tăng từ 40-50% trong những năm trước. Các thương hiệu cũng đang thận trọng hơn trong việc đầu tư cho livestream bán hàng thông qua các công ty môi giới hay người có sức ảnh hưởng trên mạng. Thay vào đó, ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp đã lựa chọn tự mình tổ chức bán hàng qua livestream.
Ở một góc độ khác, Trung Quốc gần đây cũng đang tăng cường quản lý và siết chặt các quy định liên quan, qua đó đã phần nào giúp lĩnh vực livestream bán hàng của nước này đi vào quy củ và có trật tự hơn. Những thống kê gần đây cho thấy, những vấn đề như quảng cáo sai sự thật hay bán hàng giả, hàng kém chất lượng đang có chiều hướng giảm và hiện chỉ chiếm từ 18-27% trong số các vấn đề được người tiêu dùng của nước này phản ánh.
Trung Quốc gần đây cũng đang tăng cường quản lý và siết chặt các quy định liên quan, qua đó đã phần nào giúp lĩnh vực livestream bán hàng của nước này đi vào quy củ và có trật tự hơn
Bán hàng qua livestream: Phải rõ danh tính, đúng pháp luật
Theo quy định hiện hành của Trung Quốc, người bán hàng qua livestream cần thông tin chân thực, chính xác, toàn diện về hàng hóa của mình, đồng thời phải làm rõ "ai đang bán hàng" và "hàng hóa đang được bán là của ai". Những người nổi tiếng sử dụng hình ảnh cá nhân của mình để tiếp thị hay quảng bá cho hàng hóa hay dịch vụ sẽ phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ như người đại diện thương hiệu theo pháp luật. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và có thể bị đưa vào danh sách đen - đồng nghĩa với việc gần như không còn cơ hội quay lại bán hàng qua livestream.
Trong khi đó, các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc cũng có thể phải chịu trách nhiệm liên đới nếu như biết về hành vi vi phạm mà không có biện pháp ngăn chặn cần thiết. Do đó, các nền tảng này đang ngày càng siết chặt kiểm soát chất lượng, xác minh danh tính và giấy phép kinh doanh của người bán, cũng như tăng cường giám sát nội dung livestream trên nền tảng của mình.
Tại nước ta, việc xử lý hình sự những vụ án liên quan đến người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật cũng cho thấy quan điểm xử lý nghiêm khắc mọi hành vi lừa dối khách hàng để trục lợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!