Theo truyền thông Nhật Bản, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết ngân hàng trung ương này có thể cần phải hành động nếu thuế quan của Hoa Kỳ gây tổn hại đến nền kinh tế Nhật Bản, báo hiệu khả năng tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất.
Sáng 16/4, Thống đốc Kazuo Ueda cảnh báo, BOJ có thể phải điều chỉnh chính sách nếu các mức thuế cao từ Mỹ làm suy yếu nền kinh tế Nhật Bản. Ông cho biết, các rủi ro từ chính sách của Tổng thống Donald Trump đang tiến gần đến kịch bản xấu mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản từng dự liệu, ảnh hưởng tới niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng. BOJ dự kiến giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp 30/4-1/5 và sẽ công bố các dự báo tăng trưởng, lạm phát mới.
Ông Ueda nhận định lạm phát thực phẩm trong nước có thể hạ nhiệt, còn chi phí cho lương thực, thực phẩm sẽ tăng từ giữa năm. Tuy nhiên, nếu chi phí sống cao làm suy giảm tiêu dùng, áp lực giá có thể hạ nhiệt trở lại. BOJ sẽ theo sát tác động của tỷ giá và thị trường chứng khoán tới triển vọng kinh tế.
Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trước đó, phát biểu trước Quốc hội ngày 14/4, ông Kazuo Ueda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), nhận định chính sách thuế quan của Mỹ đã làm gia tăng đáng kể bất ổn của kinh tế trong nước nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Ông Ueda cảnh báo các biện pháp thuế quan của Mỹ có thể gây sức ép suy giảm đối với nền kinh tế Nhật Bản lẫn kinh tế toàn cầu, thông qua nhiều kênh khác nhau.
Cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác, chính sách thuế quan diện rộng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các đối tác thương mại đã làm gia tăng bất ổn cho lộ trình tiền tệ của Nhật Bản, khi các nhà hoạch định chính sách đang thận trọng đánh giá tác động kinh tế của các đợt áp thuế liên tiếp từ Mỹ.
Tuy nhiên, lạm phát lương thực dai dẳng có xu hướng ngày càng tăng, cùng với triển vọng tăng lương ổn định, nhiều khả năng sẽ khiến BoJ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất đều đặn. Điều này trái ngược với xu hướng giảm lãi suất mà các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đang phát đi tín hiệu.
Trước đó, ngày 13/4, ông Jamieson Greer, Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết ông vẫn đặt kỳ vọng vào các cuộc đàm phán tiền tệ với Nhật Bản.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CBS, ông Greer nói rằng việc thao túng hoặc tạo mất cân bằng tiền tệ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà xuất khẩu Mỹ, đồng thời mang lại lợi thế không công bằng cho hàng hóa nước ngoài vào thị trường Mỹ.
Ông nhấn mạnh rằng tiền tệ "chắc chắn là một phần" trong vấn đề thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ và Nhật Bản, đồng thời cho biết Chính phủ Mỹ đang thảo luận với các quốc gia khác để xác định liệu họ có cam kết không thao túng tiền tệ hay không.
Ông Greer cũng đề cập việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng trước sự suy yếu của đồng yen, nhân tố giúp hàng hóa Nhật Bản dễ xuất khẩu hơn sang Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!