Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2025, phiên họp đặc biệt sẽ do Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Abdul Aziz sẽ chủ trì.
Trọng tâm cuộc họp nhằm thảo luận về những tác động của các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực, sự ổn định kinh tế vĩ mô và phản ứng phối hợp của ASEAN nhằm duy trì lợi ích kinh tế của khu vực.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng dự kiến thảo luận các biện pháp nhằm giảm thiểu những gián đoạn đối với thương mại khu vực, mạng lưới chuỗi cung ứng và đầu tư xuyên biên giới.
Theo Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, điều này nhằm đảm bảo ASEAN tiếp tục là một trung tâm ổn định, cạnh tranh và hấp dẫn đối với thương mại và đầu tư toàn cầu.
Bên cạnh phiên họp đặc biệt nói trên. Tại Kuala Lumpur cũng diễn ra hội nghị bộ trưởng tài chính ASEAN, từ ngày 7 - 10/4.
Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ dự kiến cũng sẽ là một nội dung quan trọng được các bộ trưởng thảo luận nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho các nước thành viên.
Trong một diễn biến liên quan, trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chia sẻ, trong ngày 4/4, ông đã có các cuộc trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp các nước Indonesia, Philippines, Brunei, Singapore để thống nhất và cùng phối hợp để đưa ra phản ứng chung liên quan đến việc Mỹ áp thuế đối ứng với các thành viên ASEAN.
Ông viết: "Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Malaysia mong muốn có sự đồng thuận giữa các nước thành viên trong việc thiết lập nguyên tắc công bằng và bình đẳng trong mọi cuộc đàm phán thương mại. Nếu thuận lợi, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN sắp tới sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này và tìn ra giải pháp tốt nhất cho các nước thành viên".
Thủ tướng Anwar đồng thời cũng là Bộ trưởng Tài chính Malaysia.
Kim ngạch thương mại song phương Malaysia - Mỹ đạt 324,9 tỷ ringgit năm 2024. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Malaysia, chiếm 11,3% tổng kim ngạch thương mại của nước này.
Các quốc gia thành viên ASEAN là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan, trong đó Campuchia bị áp thuế đối ứng lên đến 49%, tiếp theo là Lào (48%), Việt Nam (46%) và Myanmar (44%). Trong khi đó, Thái Lan bị áp thuế 36%, Indonesia 32%, Brunei và Malaysia đều ở mức 24%, Philippines 17% và Singapore, mức thuế cơ sở là 10%.
Thông tin từ Nhà Trắng nêu rõ, mức thuế 10% đối với tất cả các quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4, trong khi mức thuế đối ứng đối với các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!