Tận dụng khoảng thời gian vàng để ứng phó lâu dài
Những lo ngại về mức thuế 46% với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã tạm thời được tháo gỡ. Thời gian hoãn thuế 90 ngày là cơ hội vàng để doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp phù hợp và lâu dài chứ không thể đối phó một cách tạm thời. Các ngành hàng cũng cần chủ động xây dựng chiến lược dài hạn. Trong đó, ngành gỗ - một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất, đang nhanh chóng tận dụng thời gian quý giá này để tìm hướng đi mới, đảm bảo phát triển một cách bền vững hơn.
Các đơn hàng quý II không có nhiều thay đổi nhưng đơn hàng từ quý III của đơn vị xuất đi Mỹ đã được đưa vào tình trạng xem xét, nghĩa là có thể hủy bỏ. Khu vực sản xuất nhanh chóng hoàn thiện các đơn hàng đã chắc chắn. Còn bộ phận kinh doanh đã phải lên hai giải pháp cấp bách. Tìm nhà cung cấp nguyên liệu với chi phí rẻ hơn và giảm biên độ lợi nhuận để cạnh tranh được với các đối thủ như Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Ông Nguyễn Ngọc Hưởng - Giám đốc Công ty Kim Gia cho biết: "Chúng tôi xác định cắt biên lợi nhuận từ 7-10%, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, giảm chi phí logicstic nhằm giảm chi phí cho khách hàng".
Ngoài 20% sản phẩm đi Mỹ, hai năm qua bền bỉ thâm nhập thị trường châu Âu, giờ đơn vị đã thấy giá trị của việc đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm. Những tháng tới việc tìm kiếm thêm các bạn hàng châu Âu sẽ được đẩy mạnh.
Ông Vũ Hải Bằng - Tổng Giám đốc Công ty Woodsland chia sẻ: "Chúng tôi vẫn xuất qua châu Âu hơn 50% sản lượng của mình. Trong thực tế những năm qua, đây là thị trường có sự tăng trưởng chậm nhưng là thị trưởng ổn định".
Ở bên kia bán cầu, các doanh nghiệp nhập khẩu phân phối đồ gỗ của Mỹ cũng đang phải lên các phương án. Như công ty Đồ gỗ California, họ đang thử liên hệ tìm hiểu các nguồn cung cấp mới từ Chi Lê, Argentina hay Ecuado. Nhưng phải ít nhất từ 3 - 6 tháng mới có thể tìm được một nhà cung cấp mới.
Ông Gustavo Ureta - Giám đốc điều hành, Califorlia wood nêu ý kiến: "90 ngày này là khoảng thời gian quý cho các cuộc đàm phán, tôi thấy Việt Nam khá nhanh nhẹn trong việc này. Hi vọng mức thuế sẽ về 10%, hàng từ Việt Nam giá vẫn cạnh tranh và chúng tôi vẫn có thể hài hòa lợi ích nếu gắn bó với các bạn hàng truyền thống".
Trong chuỗi xuất khẩu của ngành hàng gỗ, cả Mỹ và Việt Nam đều cần nhau
Ngành gỗ phải tìm thêm các thị trường mới ngoài Mỹ
Trong chuỗi xuất khẩu của ngành hàng gỗ, cả Mỹ và Việt Nam đều cần nhau. Hiện nay, chúng ta có 4.000 doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này, liên kết với khoảng 1 triệu hộ nông dân. Vì thế, cú sốc về thuế sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Và đây cũng là thời điểm chúng ta cần tính toán lại bài toán thị trường.
Tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quý I của nước ta năm nay đạt 3,95 tỷ USD, tăng hơn 11%. Sang quý II, ngoài việc duy trì đà tăng trưởng, ngành gỗ còn phải tìm thêm các thị trường mới ngoài Mỹ.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Tổng Thư kí Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: "Mỹ là một nước rất lớn và có công nghiệp bất động sản lớn. Thường công nghiệp gỗ đi liền với công nghệ bất động sản. Nếu không có nhiều đồ gỗ thì chắc chắn công nghiệp bất động sản của Mỹ cũng không phát triển được. Với nguồn cung đồ gỗ từ Việt Nam, người tiêu dùng Mỹ có khả năng tiếp cận đồ gỗ, đồ nội thất với chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Các doanh nghiệp Việt Nam đã chứng tỏ năng lực, đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe về thương mại gỗ, không chỉ ở Mỹ mà còn ở những nước khác".
Có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực xem xét trong việc tăng nhập khẩu các sản phẩm từ Mỹ, đặc biệt là gỗ xẻ, gỗ tròn và veneer, nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, ngoài việc tăng nhập khẩu để tạo sự tương hỗ, Việt Nam còn những lợi thế khác trong đàm phán, để hướng tới mức thuế tốt hơn.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Tổng Thư kí Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định: "Đồ mộc của Việt Nam có thể đến với các ngôi nhà của người Nhật. Tương tự như vậy, đối với Hàn Quốc, Trung Quốc – là một trung tâm, một công xưởng chế biến đồ gỗ rất nhiều – nhưng không phải người tiêu dùng Trung Quốc hoàn toàn quay lưng với sản phẩm gỗ nhập khẩu từ nước ngoài. Có một số doanh nghiệp lớn có năng lực dẫn dắt có thể đàm phán với các ông chủ của Trung Đông làm đồ mộc, nội thất, kể cả Úc, New Zealand, thị trường Đông Nam Á, hiện nay họ cũng không làm nhiều đồ mộc, đồ gỗ nội ngoại thất".
Như vậy, về lâu dài, ngành gỗ Việt Nam sẽ cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như có sự cạnh tranh hơn. Đồng thời phải phát triển nguồn gỗ hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và đảm bảo chất lượng cao. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cũng đang thiết kế thêm nhiều giải pháp khác, để phía Mỹ nhận thấy rõ lợi ích từ việc hợp tác lâu dài với Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!