Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - Trần Thị Diệu Thúy - cùng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo, Hội Khuyến học thành phố... tham dự Hội nghị.
Ngày 14/2/2024, TP Hồ Chí Minh trở thành thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị, đây vừa là vinh dự nhưng cũng là thách thức và trách nhiệm không nhỏ với Thành phố mang tên Bác. Việc gia nhập mạng lưới thể hiện sự công nhận của thế giới đối với các chính sách, cam kết, nỗ lực của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng trong việc đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả người dân.
TP Hồ Chí Minh là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO (Ảnh: TTXVN)
Từ đây TP Hồ Chí Minh cũng đã phát động triển khai thực hiện chương trình hành động xây dựng "thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024-2030" trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2030, mọi công dân đều có cơ hội học tập bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Sự kiện này được người dân bình chọn là 1 trong 10 dấu ấn nổi bật năm 2024 của Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - Trần Thị Diệu Thúy - phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hoàng Hường)
Qua gần một năm triển khai, với sự quan tâm hỗ trợ từ UNESCO, của lãnh đạo TP, Bộ Giáo dục và đào tạo; Bộ Ngoại giao…TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đáp ứng các tiêu chí và chỉ số quan trọng của UNESCO.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh, thành phố đã chủ động triển khai Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” và đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Phong trào thi đua đã được triển khai sâu rộng, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân và thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân, tạo thành một phong trào quần chúng rộng khắp. Điều này được minh chứng bằng số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng được Sở Giáo dục và Đào tạo (với vai trò là cơ quan thường trực) tiếp nhận, với tổng số 103 hồ sơ, bao gồm 30 cá nhân, 5 hộ gia đình, dòng họ và 68 tập thể đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua quá trình xét duyệt công khai, minh bạch và khách quan, UBND Thành phố đã quyết định khen thưởng cho 48 tập thể, 1 hộ gia đình và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp thiết thực của họ vào sự nghiệp xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời.
Tại hội nghị, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban, ngành, đoàn thể tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau trong năm 2025 như: đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập trong nền kinh tế số, xã hội số; tiếp tục vận động cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị, trường học, ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng thành phố học tập toàn cầu gắn với các Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030", Phong trào thi đua "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030" và Chương trình "Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030"; Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập của UNESCO; hoàn thành báo cáo kết quả thực hiện cho UNESCO; đăng ký Giải thưởng Thành phố Học tập của UNESCO năm 2026...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!