Siết chặt dạy thêm, học thêm: Làm sao để học sinh không bị ảnh hưởng?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 21/02/2025 09:27 GMT+7

bangdatally.xyz - Đã một tuần kể từ khi Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên vẫn gặp khó khăn trong quá trình thích ứng và chuyển đổi.

Trong suốt một tuần qua, kể từ khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) có hiệu lực, việc dạy thêm, học thêm đã trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của phụ huynh, nhà trường, giáo viên và đặc biệt là học sinh cuối cấp. Việc siết chặt quản lý dạy thêm nhằm ngăn chặn tiêu cực, đồng thời giúp học sinh có thêm thời gian để rèn luyện thể chất, nghệ thuật, hướng đến sự phát triển toàn diện, là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gia đình có nhu cầu cho con học thêm, đặc biệt là học sinh cuối cấp lại đang tỏ ra lúng túng. Đáng chú ý, đối với học sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận một trung tâm dạy thêm là không hề dễ.

Siết chặt dạy thêm, học thêm: Làm sao để học sinh không bị ảnh hưởng? - Ảnh 1.

Đối với học sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận một trung tâm dạy thêm là không hề dễ.

"Trước khi ban hành Thông tư 29, Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế, lắng nghe ý kiến từ các phương tiện thông tin đại chúng, phỏng vấn trực tiếp cán bộ quản lý và học sinh. Qua khảo sát 63 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước, không có ý kiến nào cho rằng Thông tư gây vướng mắc hay khó khăn lớn", Tiến sĩ Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.

Siết chặt dạy thêm, học thêm: Làm sao để học sinh không bị ảnh hưởng? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ về tình hình học thêm, dạy thêm thời gian gần đây.

Trước những thay đổi về dạy thêm, học thêm, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp sáng tạo để thích ứng với quy định mới. Chẳng hạn, Sở GD&ĐT Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng... đã ban hành hướng dẫn chi tiết, thành lập các tổ công tác hỗ trợ giáo viên và học sinh. Một số nơi còn tổ chức các nhóm giáo viên hỗ trợ học sinh tự học, hướng dẫn giáo viên thực hiện đăng ký kinh doanh theo đúng quy định để có thể dạy thêm một cách hợp pháp, minh bạch. Một số trường học đang thử nghiệm mô hình dạy hai buổi/ngày thay vì chỉ học một buổi chính khóa. Những cách làm này giúp đảm bảo quyền lợi của học sinh và giáo viên, đồng thời tuân thủ đúng quy định của Thông tư 29.

"Hiện nay, nhiều địa phương đã áp dụng việc học năm buổi/tuần, giúp học sinh có thời gian nghỉ trọn vẹn cuối tuần. Điều này cho thấy chương trình giáo dục phổ thông không quá nặng như một số ý kiến lo ngại. Đồng thời, các trường đã tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp, đảm bảo hoàn thành mục tiêu trong giờ chính khóa. Khi có đủ điều kiện cơ sở vật chất, học sinh có thể học hai buổi/ngày, cả hai buổi đều là chính khóa. Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các hoạt động ngoại khóa, miễn là tuân thủ đúng điều lệ nhà trường và quy định của pháp luật", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm.

Siết chặt dạy thêm, học thêm: Làm sao để học sinh không bị ảnh hưởng? - Ảnh 3.

Thay vì học trên lớp, toàn bộ học sinh khối lớp 9 của Trường THCS Minh Đức, quận 1, TP Hồ Chí Minh được học tập trung tại sân trường

Có ý kiến cho rằng, nên có ngoại lệ cho việc dạy thêm, học thêm đối với học sinh cuối cấp đang cần học nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định, không cấm dạy thêm, học thêm nếu thực hiện đúng quy định. Thông tư quy định rõ các đối tượng bị hạn chế và những trường hợp được phép dạy thêm. Đối với học sinh cuối cấp, học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng hoặc cần bồi dưỡng nâng cao, việc hỗ trợ là trách nhiệm của giáo viên và nhà trường, được tổ chức trong giờ chính khóa tại trường và không thu phí.

Khi Thông tư 29 được ban hành, các trường đều tìm cách bổ trợ cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp, nhưng vấn đề lớn nhất là ngân sách. Việc tăng giờ dạy cần có nguồn hỗ trợ cho giáo viên.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố có thể cân đối kinh phí để nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường cần sử dụng hiệu quả kinh phí chi thường xuyên và rà soát đúng đối tượng cần hỗ trợ.

"Các địa phương cần quan tâm hơn đến giáo dục tại chỗ, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để nâng cao chất lượng dạy và học", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Suốt một thời gian dài, học sinh Việt Nam ở trong vòng xoáy học chính khóa và học thêm. Dù không thể phủ nhận mặt tích cực của học thêm khi thực hiện tự nguyện để nâng cao tri thức hoặc bổ sung kiến thức chưa đạt chuẩn, không thể phủ nhận hoàn toàn mặt tích cực của việc học thêm theo tinh thần tự nguyện để nâng cao tri thức hoặc bổ sung kiến thức chưa đạt chuẩn. Thế nhưng, nếu quá phụ thuộc vào việc học thêm, năng lực tư duy và khả năng tự học của học sinh lại càng bị bào mòn.

Siết chặt dạy thêm, học thêm: Làm sao để học sinh không bị ảnh hưởng? - Ảnh 4.

Trong suốt một thời gian dài, học sinh tại Việt Nam luôn ở trong vòng xoáy học chính khóa và học thêm.

Thứ Trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, không phải học sinh nào cũng có sẵn kỹ năng tự học. Học sinh phải là chủ thể, nhà trường là nền tảng, còn thầy cô là động lực. Giáo viên cần hướng dẫn phương pháp tự học, tự nghiên cứu, giúp học sinh chủ động và tự tin trong quá trình học tập. Việc hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau, không nhất thiết phải tổ chức lớp học thêm trái quy định.

"Trên thực tế, trong nhiều năm qua, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT cùng các sở giáo dục đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn và chỉ đạo thực hiện. Những trường áp dụng tốt chương trình này sẽ không gặp lúng túng khi ngừng dạy thêm, học thêm sai quy định", ông Thưởng cho hay.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, nhiều phụ huynh mong muốn con học thêm không chỉ để bổ sung kiến thức mà còn nhờ giáo viên hỗ trợ quản lý do công việc của họ quá bận rộn. Đây là thực tế khi nhiều gia đình phải đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, khiến việc đưa đón và quản lý con gặp khó khăn.

"Nhiều phụ huynh có xu hướng phó thác hoàn toàn việc học của con cho nhà trường và thầy cô, điều này chưa thực sự phù hợp với nguyên lý giáo dục. Giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nếu phụ huynh có thể sắp xếp thời gian hợp lý để đồng hành cùng con, đặc biệt trong giai đoạn từ mầm non đến phổ thông, đó sẽ là điều tuyệt vời nhất cho sự phát triển của trẻ", ông Thưởng chia sẻ thêm.

Vấn đề dạy thêm, học thêm từ lâu đã gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, trong tuần qua, kể từ khi Thông tư 29 được ban hành, Đài Truyền hình Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Thông tư này giúp ngăn chặn những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Dù vậy, những khó khăn trước mắt vẫn cần được giải quyết.

"Thông tư 29 chỉ là một biện pháp hành chính cụ thể, không thể giải quyết toàn diện vấn đề dạy thêm, học thêm", ông Thưởng nhận định.

Siết chặt dạy thêm, học thêm: Làm sao để học sinh không bị ảnh hưởng? - Ảnh 5.

Giáo viên cần hướng dẫn phương pháp tự học, tự nghiên cứu, giúp học sinh chủ động và tự tin trong quá trình học tập.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, để quản lý tốt, cần có những giải pháp đồng bộ, thứ nhất, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh và phụ huynh để hiểu rõ lợi ích của việc học đúng quy định, đồng thời nhận thức rõ tác hại của dạy thêm, học thêm tràn lan. Điều này không chỉ gây áp lực cho học sinh mà còn khiến giáo viên vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp. Thứ hai, giáo viên cần đảm bảo chất lượng giảng dạy trong giờ chính khóa để giảm nhu cầu học thêm. Cùng với đó, cần giảm áp lực thi cử, vào trường chuyên, lớp chọn thông qua các giải pháp đồng bộ. Thứ ba, Nhà nước cần đầu tư ngân sách và huy động nguồn lực xã hội để đảm bảo ở đâu có học sinh, ở đó có trường lớp đạt chuẩn, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em. Thứ tư, việc kiểm tra, đánh giá cần đổi mới để giảm áp lực học thêm, giúp học sinh tập trung vào quá trình học thay vì chạy theo điểm số. Cuối cùng, tự học không chỉ là tự làm bài mà còn bao gồm chủ động xây dựng thời gian, xác định mục tiêu, chọn phương pháp, nội dung phù hợp. Học sinh phổ thông cần được hướng dẫn tự học thông qua giáo viên, truyền hình, Internet và trí tuệ nhân tạo.

Thực tế, lâu nay nhiều học sinh quá phụ thuộc vào học thêm, dẫn đến giảm dần khả năng tự chủ và sáng tạo. Nếu chỉ làm bài mà không tự kiểm tra đúng sai, không chủ động tư duy, thì hiệu quả học tập sẽ bị ảnh hưởng. Thông tư 29 không chỉ là một quy định quản lý mà còn mang ý nghĩa sâu xa trong việc định hướng giáo dục, giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.

Không phủ nhận rằng việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, khi việc này không còn mang tính tự nguyện, thì cần có sự quản lý. Thay đổi thói quen học thêm cần thời gian, nhưng quan trọng hơn, việc dừng dạy thêm trong nhà trường đối với đa số học sinh lại mở ra cơ hội để các em rèn luyện tinh thần tự học. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, nếu muốn tồn tại thì kỹ năng tự học phải được đặt lên hàng đầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước