Những người “gánh chữ” lên non

Quân Nguyễn - Hoàng Anh-Thứ sáu, ngày 07/03/2025 06:45 GMT+7

Một buổi lên lớp của các cô giáo vùng cao

bangdatally.xyz - Trèo đèo, lội suối ở bản xa xôi hẻo lánh nhất nơi cực tây tổ quốc, song các cô giáo ở điểm trường Háng Lìa vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, vì sự nghiệp “trồng người”.

Hoa trên núi đá

Từ trung tâm huyện Sìn Hồ, chúng tôi vượt hơn 20 km đường đá gập ghềnh, ngoằn ngoèo đến với Điểm trường Háng Lìa, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Đây là nơi xa nhất, khó khăn nhất của xã Tủa Sín Chải. Tại đây trường mầm non Tủa Sín Chải có 2 điểm trường và Trường PTDTBT Tiểu học Tủa Sín Chải có 1 điểm trường nằm tách biệt trên ngọn đồi cao. Muốn đến trường phải vượt hơn 10km đường rừng với những con dốc cao chót vót, những vách đá chênh vênh, con đường mòn đi nhiều thành vệt trơn như đổ mỡ, lầy lội sau những cơn mưa rừng. Chiều chủ nhật các thầy cô giáo của điểm trường tập trung tại địa điểm hẹn trước chuẩn bị tâm thế cho công việc quen thuộc là leo đèo, vượt núi đến trường.

Những người “gánh chữ” lên non - Ảnh 1.

Đường lên tới các điểm trường vô cùng gian nan

Ủng cao su là vật dụng không thể thiếu với mỗi người và một số dụng cụ sửa xe khác; chiếc ba lô căng phồng với giáo án, quần áo, lương thực cho những ngày học. Chuyện ngã xe, xe hỏng phải bỏ lại giữa rừng… là chuyện thường ngày. Ông Mùa A Đại, Chủ tịch UBND xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết: "Bản Háng Lìa – Hồng Thứ nằm trong vùng thấp của xã Tủa Sín Chải, 152 hộ, 865 nhân khẩu, 100% dân tộc Mông, người dân chủ yếu trồng ngô, cuộc sống bà con hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Cấp ủy chính quyền địa phương đã thường xuyên cùng các thầy cô giáo vận động 100% học sinh đến trường".

Với Trường Mầm non Tủa Sín Chải, tại bản Háng Lìa nhà trường mở 2 địa điểm dạy học. Từ xa, chúng tôi đã thấy ngôi nhà cấp 4 lợp mái tôn chênh vênh bên sườn núi, lọt thỏm giữa những nương lúa, nương ngô. Tới nơi, đó là phòng học duy nhất của 23 cháu học sinh của bản. Những bộ bàn ghế mộc mạc, những món đồ chơi do chính tay cô giáo tự làm từ vật liệu tận dụng, những bông hoa, mô hình đồ chơi... tuy đơn giản nhưng chúng tôi hiểu, trong đó gói ghém tất cả tình thương vô bờ của cô giáo dành cho những cháu nhỏ người dân tộc nơi đây. Cô giáo Lò Thị Thực, điểm trường Háng Lìa, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu chia sẻ: "Bản thân tôi thì ngay từ đầu năm đã cố gắng rất nhiều để vận động học sinh đi học, vận động phụ huynh vệ sinh môi trường, tận dụng vật liệu địa phương để giảng dạy".

Mặc dù đường đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ thứ, nhưng các cô giáo tại đây từ đầu tuần cho đến cuối tuần bất kể nắng hay mưa, sương mù hay lạnh giá, cô giáo Thủy chưa khi nào vắng mặt ở điểm trường tất cả đều vì tình yêu thương con trẻ. Cô giáo Mào Thị Thủy, điểm trường Háng Lìa, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu không giấu nổi cảm xúc chia sẻ: "Taị điểm trường Háng Lìa này thì khó khăn nhất là đường đi, ngày mưa xe máy phải lắp xích, có những khi xuống dốc đường trơn trượt xe máy phanh không dừng tự trôi xuống vực và bà con nơi đây thì thuộc diện khó khăn, nhà các cháu xa điểm trường nên những hôm mưa gió các cháu đi lại rất vất vả".

Những người “gánh chữ” lên non - Ảnh 2.

Việc đi bộ leo núi là chuyện bình thường.

Tuy còn nhiều khó khăn, song phụ huynh nơi đây rất chân thành, quý mến các cô giáo, khiến các cô có thêm động lực bám lớp, bám bản. Bản Háng Lìa 100% là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 70%, ăn chưa đủ no, nên việc học không mấy được quan tâm. Từ khi có điểm trường Háng Lìa, dù đường đi lại khó khăn nhưng các gia đình đã có nơi gửi gắm con em đi học. Người dân trong bản rất quý các thầy, cô giáo, bởi vất vả thế mà các cô vẫn ở lại dạy con em cái chữ.

Chị Sùng Thị Tình, Bản Háng Lìa, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết: "Bản thân tôi thì cũng có con học tại điểm trường này, khi đưa con đi học thì các cô giáo rất nhiệt tình, chu đáo quan tâm con tôi, nấu ăn cho con tôi và khi gửi con đến lớp nhà trẻ tôi rất là yên tâm đi lao động sản xuất". Giáo dục ở vùng cao nói chung đã khó, bậc học mầm non càng khó khăn hơn, mục tiêu chung của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ và hình thành những yếu tố đầu tiên về nhân cách để trẻ chuẩn bị bước vào bậc tiểu học. Tuy nhiên, đối với bậc học mầm non ở vùng cao của xã Tủa Sín Chải, việc thực hiện mục tiêu này gặp rất khó khăn, đa số trẻ em sống ở khu vực đặc biệt khó khăn, lại chưa biết nói tiếng phổ thông.

Người đưa đò thầm lặng

Cô giáo Phạm Thị Khánh Hòa, Hiệu trưởng trường Mầm Non Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết: " Điểm trường này rất là khó khăn về đường xá đi lại, địa bàn rộng cách xa trung tâm đường đi phải mượn đường xã bạn có những điểm trường phải đi cả ngày mới đến nơi…điểm trường xa như vậy bố mẹ đi làm nương rẫy rất xa, khoảng cách các trẻ đến trường khoảng 3km thì cũng rất là vất vả". Còn với Trường PTDTBT tiểu học Tủa Sín Chải năm học 2024 – 2025 tại điểm trường Háng Lìa có 4 thầy giáo, hơn 50 học sinh, 3 phòng học hiện đang xuống cấp. Nơi đây luôn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, mùa đông thì lạnh cắt da, cắt thịt, sương mù kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em nhưng các thầy giáo vẫn động viên nhau bám trường, bám lớp, đảm bảo việc dạy học.

Những người “gánh chữ” lên non - Ảnh 3.

Các cô vượt qua mọi gian khó bởi tình yêu dành cho các em nhỏ.

Thầy giáo Phùng A Lù, điểm trường Háng Lìa, Trường PTDTBT tiểu học Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết : "Trong mỗi lần trời mưa chúng tôi không thể về được điểm trường trung tâm và 1 tháng chúng tôi mới về 1 lần được". Khó khăn lớn nhất là thiếu cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, thiếu nhà công vụ cho giáo viên và nhà ở bán trú cho các em học sinh. Cách trung tâm xã chỉ khoảng 50 km, nhưng vận chuyển lương thực, thực phẩm để nấu ăn cho học sinh là vấn đề không ít nan giải. Dù vậy, tất cả thầy giáo, cô giáo vẫn tâm huyết, yêu nghề, yêu học sinh, nỗ lực để các em có được những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng, yên tâm học tập.

Em Sùng Thị Sinh, học sinh lớp 2 điểm trường Háng Lìa, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu chia sẻ: "Hàng ngày con đi học được các thầy dạy viết, dạy tính toàn, được các thầy nấu ăn con rất thích". Đối với các trường học trên địa bàn các xã vùng cao điều kiện còn nhiều khó khăn như xã Tủa Sín Chải, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ đã tham mưu với huyện và các ngành ưu tiên nâng cấp đầu tư, xây dựng, sửa chữa các trường trung tâm và các điểm trường lẻ, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú, bếp ăn tập thể, các công trình vệ sinh cho học sinh bán trú. Quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách dành cho giáo viên và học sinh vùng cao.

Những người “gánh chữ” lên non - Ảnh 4.

Chăm lo giấc ngủ cho các em

Đồng thời, chỉ đạo Ban Giám hiệu các nhà trường ngay từ đầu năm học, thực hiện rà soát, bố trí, sắp xếp, phân công giáo viên chủ nhiệm phù hợp với năng lực chuyên môn; khảo sát chất lượng học sinh, phân nhóm, xác định phương pháp dạy học phù hợp với từng nhóm học sinh trong lớp, có biện pháp giúp đỡ học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu. Các nhà trường tăng cường cho học sinh giải trí bằng nhiều hình thức như thể dục thể thao, chơi các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn nghệ, tăng gia sản xuất... Qua các hoạt động này, học sinh được mở rộng nhận thức xã hội, mạnh dạn tự tin, rèn luyện kỹ năng sống, biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết: "Điểm trường Háng Lìa hiện tại có 2 lớp học nhà gỗ đã xuống cấp, cũng mong các cấp, các ngành quan tâm cơ sở vật chất đối với 3 đơn vị nhà trường thuộc xã Tủa Sín Chải để giảm bớt phần nào khó khăn".


Những người “gánh chữ” lên non - Ảnh 5.

Và tận tình dạy bảo.

Hầu hết những thầy cô giáo ở các trường vùng cao đều có một xuất phát điểm chung đó là những ngày đầu gắn bó với nghề vô cùng khó khăn. Đó là đường sá xa xôi, những cung đường gập ghềnh trơn trượt đất đá những ngày mưa lũ về, là điểm lớp không có ánh điện, là những đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống… Vượt qua mọi khó khăn đó, bằng tình yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô đã cùng đồng hành với biết bao thế hệ học sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhọc nhằn: Gieo chữ non cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước