Khai trương vào tháng 12/2024, tuyến Metro số 1 dài gần 20 km với 2,6 km đường ray ngầm, ba nhà ga ngầm và 11 điểm dừng. Tuyến đang vận hành 17 đoàn tàu, mỗi đoàn có sức chứa 930 khách.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Được - tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với thanh niên năm 2025 (Ảnh: Thu Trang)
Phát biểu tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với thanh niên năm 2025, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho rằng, tuyến Metro số 1 là minh chứng cho sự chuyển mình của thành phố trong việc đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và du khách. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng thành phố thông minh và thân thiện với môi trường . "Lộ thông tài thông, đại lộ đại phú, giao thông luôn đóng vai trò rất quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế", ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông công chánh TP Hồ Chí Minh, cho biết, hiện nay thành phố đang quản lý 10 triệu phương tiện giao thông các loại gồm 1 triệu ô tô và 9 triệu xe máy, xe hai bánh. "Nếu đem số phương tiện giao thông này xếp lên mặt đường, cần có diện tích đường gấp 2,5 lần hiện nay, chưa tính đến việc lưu thông và khoảng 2 triệu phương tiện di chuyển đi các tỉnh thông qua TP Hồ Chí Minh mỗi ngày".
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao Thông công chánh TP Hồ Chí Minh, thông tin về tình hình hoạt động của tuyến Metro số 1 (Ảnh: Thu Trang)
Theo số liệu của Sở Giao thông công chánh, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vận chuyển trung bình 50.000 lượt hành khách/ngày. Điều này đã giúp tỷ lệ ùn tắc giao thông trên trục Xa lộ Hà Nội vào trung tâm thành phố giảm 80%, lượng quan trắc khí thải giảm 40%, thói quen, thái độ của người dân khi sử dụng metro cũng được đánh giá thân thiện, lịch sự, ý thức cao. "Tôi đã thấy những bạn trẻ dọn sạch rác ở chỗ mình ngồi và cả rác của người khác thải ra khi di chuyển trên metro. Đây là điều rất đáng mừng", ông Hòa An cho biết.
Phó Giám đốc Sở Giao thông công chánh cũng thông tin thêm, tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương đã hoàn chỉnh công tác giải phóng hạ tầng và cố gắng khởi công vào tháng 12/2025. Hiện tại, có nhà đầu tư đã gửi hồ sơ và UBND TP đã giao Sở Giao thông công chánh nghiên cứu về đề xuất chủ trương đầu tư tuyến Metro Quận 7 - Cần Giờ. "Đây là ý tưởng đầu tư tốt và chúng tôi đang tập trung nghiên cứu để trình UBND thành phố. Nếu thuận lợi sẽ khởi công vào năm 2026 và hoàn thành vào năm 2028".
Tuyến Metro số 1 đã trở thành niềm tự hào của người dân TP Hò Chí Minh (Ảnh: Sở Du lịch )
Theo Nghị quyết mới nhất của Quốc hội với các cơ chế chính sách đặc thù cho việc phát triển Đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì tới năm 2035, thành phố sẽ có 355km với 8 tuyến metro và đến năm 2045 là 510km với 10 tuyến metro. "Khi hệ thống metro, hệ thống giao thông vận tải có sức chuyên chở lớn đi vào hoạt động sẽ giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm kẹt xe và ô nhiễm. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đang đẩy mạnh việc phát triển các tuyến giao thông đường thủy", ông An cho biết.
Theo các chuyên gia, hệ thống đường sắt đô thị không chỉ là hạ tầng giao thông mà còn mang lại diện mạo mới cho TP Hồ Chí Minh. Khi hệ thống metro được mở rộng và kết nối với các tuyến đường khác, TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành một trong những thành phố có hệ thống giao thông công cộng hiện đại nhất khu vực, cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao sức cạnh tranh trên bản đồ thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!