Trạm yêu thương giữa những nẻo đường đời

Phương Anh-Thứ bảy, ngày 08/03/2025 06:05 GMT+7

bangdatally.xyz - Giữa dòng người hối hả trong một thành phố náo nhiệt, có những người phụ nữ âm thầm khởi xướng mô hình từ thiện "phở treo", "bún treo"...

Đây được xem là mô hình từ thiện hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, để không ai bị bỏ lại phía sau trên những nẻo đường đời.

Sự tử tế luôn hiện diện quanh đây

Tại TP Hồ Chí Minh, phong trào "phở treo" hay "bún treo" xuất phát từ ý tưởng đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc: Khách hàng khi đến ăn có thể trả tiền trước cho một bát phở, một tô bún dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, mất khả năng lao động... Khi ai đó cần, họ có thể đến nhận mà không phải lo lắng về giá cả. Cứ thế, mô hình này ngày qua ngày lan tỏa tinh thần sẻ chia, tạo nên một cộng đồng ấm áp.

Không chỉ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, mô hình "phở treo", "bún treo"... còn góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về việc chia sẻ. Nhiều khách hàng sau khi biết đến mô hình này đã không ngần ngại đóng góp, từ một bát phở, một tô bún cho đến hàng chục suất ăn mỗi tháng. Điều này cho thấy sự tử tế luôn hiện diện quanh đây, chỉ cần có một ai đó khởi xướng, lòng tốt sẽ lan tỏa một cách tự nhiên.

Trạm yêu thương giữa những nẻo đường đời - Ảnh 1.

Trao tặng một bữa ăn, đổi lại nhiều nụ cười.

Điểm đặc biệt của các quán ăn tham gia mô hình này là không phân biệt người nhận. Dù là người vô gia cư, công nhân lao động xa quê hay sinh viên khó khăn… ai cũng có thể đến nhận một suất ăn miễn phí. Những tô phở, bát bún không đơn thuần chỉ là một bữa ăn, mà còn là nguồn động viên tinh thần, giúp những người khó khăn cảm thấy mình không bị bỏ rơi giữa một thành phố đông đúc.

Trả ơn cuộc đời

Tại đường Phạm Thế Hiển (Quận 8, TP Hồ Chí Minh), mỗi sáng, bà Trần Thị Thúy Hồng lại treo lên dòng chữ: "Mình treo một tô bún - Đổi lấy một nụ cười", cùng với số lượng tô bún sẵn có trước quán Bún treo1829.

Trạm yêu thương giữa những nẻo đường đời - Ảnh 2.

Cho đi những tô bún, bà Hồng thường được nhận lại những món quà cảm ơn đầy nghĩa tình như những trái ổi, nải chuối, đôi khi là những bông hồng.

Bà Hồng đã thực hiện mô hình "treo" này từ ngày 9/9/2024, tới nay đã duy trì được 6 tháng với gần 3.000 tô bún được trao đi. Là người dân lao động đi lên từ hai bàn tay trắng, bà luôn dạy con là khi mình may mắn hơn những người khác thì phải biết ơn cuộc đời và trả ơn cuộc đời này. Cũng từ đó, hai mẹ con vẫn luôn thực hiện những hoạt động thiện nguyện như đi trao tặng đồ ăn tại các bệnh viện, tặng quà cho các mái ấm cô nhi, viện dưỡng lão...

Trong một lần xem tin tức, bà Hồng biết đến quán "phở treo" nổi tiếng tại Hà Nội nên đã bàn với con gái áp dụng mô hình này tại quán của mình vì xung quanh có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. "Trươc đây, cũng có những lúc, mẹ tôi mời họ vào quán ăn mà họ ngại không dám vào, nên mô hình này giúp mong muốn của mẹ thành hiện thực" - chị Như Ý, con gái của bà Hồng chia sẻ.

Mỗi ngày, quán đều treo sẵn từ 10 - 15 tô bún. Chi phí này chủ yếu đến từ bà Hồng, chị Như Ý và từ các mối quan hệ bạn bè của chị. Đồng hành cùng câu chuyện sẻ chia từ quán bún của mẹ, chị Như Ý luôn biết ơn vì được bạn bè tin tưởng, ủng hộ những việc mình làm. Ngoài ra, khi có khách ăn tại quán hay mạnh thường quân có lòng muốn "treo", bà Hồng sẽ nhận rồi cập nhật vào tấm biển đặt trước quán. Người phụ nữ ấy cũng đóng góp vào các tô bún treo bằng thu nhập thêm từ việc bán bánh mì, xôi khúc, bánh bao... - có bao nhiêu lại treo thêm bấy nhiêu.

Trạm yêu thương giữa những nẻo đường đời - Ảnh 3.

Mỗi tô bún trao đi chứa đứng sự quan tâm, động viên lẫn nhau trong cuộc sống.

Có những thời điểm hết "bún treo" nhưng vẫn còn người tới cần phần ăn, bà Hồng bảo vẫn còn, không nỡ để ai ra về tay không. Nhiều người nhận ra điều này nên ngại không dám lấy, sợ bà lỗ vốn. Vậy là họ xin đổi qua xôi, bánh mì hay bánh bao - miễn sao có được một bữa ăn khi đói bụng.

Với bà Hồng, niềm vui và hạnh phúc là khi thấy ai đó nhận tô bún với nụ cười tươi, thưởng thức ngon lành hay đơn giản chỉ là một lời cảm ơn chân thành. Đó là lúc bà biết rằng, hành trình của cả hai mẹ con thực sự có ý nghĩa. "Một tô bún tôi trao đi không chỉ là đơn thuần là một bữa ăn, mà còn là sự sẻ chia, sự quan tâm và động viên lẫn nhau trong cuộc sống, giúp những người khó khăn cảm thấy được an ủi hơn, thêm động lực nhiều hơn trong cuộc sống!".

Hiểu được giá trị của một bữa ăn

Trạm yêu thương giữa những nẻo đường đời - Ảnh 4.

Những tô bún ấm áp sự sẻ chia với những người nghèo khó.

Cũng thực hiện mô hình "treo" như quán bún của bà Hồng, tấm lòng nhân ái của chị Mến được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ở TP Hồ Chí Minh biết đến qua 3 quán bún chả sứa tại quận Tân Bình, quận Tân Phú và Quận 6.

Vào một ngày đầu năm mới, chị Mến hồ hởi cầm những phong bao lì xì trao tặng cho một bé gái bị bại liệt đi bán vé số cùng mẹ. Vừa tranh thủ giờ quán vắng khách, chị ân cần hỏi han hai mẹ con sau một ngày dài rong ruổi khắp phố phường. Không chỉ phục vụ bún miễn phí, bà chủ quán với dáng người nhỏ nhắn này còn thường xuyên phát quà cho người vô gia cư, tạo nên một cộng đồng nhỏ gắn kết bằng lòng nhân ái.

Trạm yêu thương giữa những nẻo đường đời - Ảnh 5.

Chị Mến luôn tất bật trong gian bếp mỗi sáng để chuẩn bị sẵn 50 phần ăn trao tặng cho những người khó khăn.

Quán Bún sứa Nhà Mến không chỉ nổi tiếng với hương vị đặc trưng mà còn bởi tấm lòng thiện nguyện của chủ quán - chị Lê Thị Mến. Chị Mến bắt đầu làm chương trình "bún treo" từ tháng 9/2024, với mong muốn giúp đỡ những người nghèo có thêm những bữa ăn.

Mỗi ngày, quán Nhà Mến đều dành ra 50 phần bún đầy đủ với giá 0 đồng dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn. "Nhiều lúc lỗ nhưng bù lại mình có được niềm vui" - chị Mến chia sẻ với nụ cười luôn nở sẵn trên môi.

Xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, ngày ngày đi bán vé số, có khi là lượm nhặt ve chai nên hơn ai hết, chị Mến hiểu được giá trị của một bữa ăn quan trọng như thế nào. Trong suốt khoảng thời gian kể từ khi chương trình "bún treo" được thực hiện, không ít lần chị nhìn thấy bản thân ở những mảnh đời ngoài kia. Chính vì lý do đó, Bún sứa Nhà Mến được hình thành và ngày càng được nhiều người quan tâm.

Trạm yêu thương giữa những nẻo đường đời - Ảnh 6.

Bún sứa treo Nhà Mến với những thông điệp yêu thương.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh - mỗi một bát bún trao đi, chị Mến như thấu hiểu hơn những câu chuyện đời bất hạnh và khốn khó. Với 3 cơ sở và số lượng khách hàng khá đông mỗi ngày, cộng thêm mong muốn được làm "bún treo", cùng với đó là trọng trách của một người phụ nữ trong gia đình nên chị Mến không tránh khỏi những căng thẳng và áp lực. Tuy nhiên, với chị, tất cả những hoạt cảnh xoay quanh cuộc sống hiện tại luôn là động lực để chị cố gắng hơn mỗi ngày.

Không dừng lại ở một vài quán ăn như của bà Hồng hay chị Mến, mô hình "phở treo", "bún treo" đang ngày càng lan rộng. Nhiều quán khác đã bắt đầu tham gia, thậm chí có cả những cửa hàng bánh mì, cơm bình dân cũng hưởng ứng với hình thức "cơm treo", "bánh mì treo"... Điều đáng quý là không chỉ khách hàng mà cả các nhà hảo tâm cũng tham gia đóng góp, giúp mô hình này phát triển bền vững hơn.

Độc đáo phở “treo” ở phố cổ Hà Nội Độc đáo phở “treo” ở phố cổ Hà Nội

bangdatally.xyz - Những ngày gần đây, mọi người đang rỉ tai nhau về một quán phở đặc biệt nằm trên phố Bảo Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), quán Phở "treo".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước