Đại diện hai nhóm (với các thành viên thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kim Sơn) nhận chứng nhận tài trợ sáng kiến.
Đẩy mạnh vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong bảo tồn thiên nhiên
Với mong muốn thúc đẩy và tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ, Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã Việt Nam (WildAct) đã triển khai dự án “Sáng kiến bảo tồn do phụ nữ lãnh đạo để xây dựng một hệ sinh thái hài hòa cho loài chim rẽ mỏ thìa và cộng đồng địa phương tại tỉnh Ninh Bình”, nhằm cung cấp các thông tin, tập huấn kỹ năng, và hỗ trợ HPN tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn tại địa phương.
Trong khuôn khổ dự án, WildAct đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn kỹ năng quản lý dự án và phát triển sáng kiến bảo tồn dành cho hội viên phụ nữ tại hai huyện Kim Sơn và Yên Mô. Kết quả cho thấy trên 60% cán bộ HPN nắm vững kiến thức về bảo vệ chim di cư và 91,4% cán bộ HPN hiểu rõ các bước xây dựng và thực hiện một dự án truyền thông hiệu quả.
Đặc biệt, hai nhóm với các thành viên từ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kim Sơn đề xuất các dự án đặt tại xã Kim Đông và Kim Trung đã tiên phong xây dựng và triển khai các hoạt động cộng đồng từ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đến các hành động cụ thể góp phần giảm áp lực lên môi trường sống của chim di cư.
Ông Nguyễn Văn Tôn, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình - khuyến khích sáng kiến bảo tồn của các cán bộ Hội Phụ nữ.
Các đại biểu cùng ký cam kết bảo tồn chim di cư.
Sáng kiến của nhóm tại xã Kim Đông tập trung vào việc thay đổi nhận thức và hành vi của các nhóm có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến chim di cư như thợ săn, nhà hàng, cán bộ cơ sở và người dân địa phương, thông qua việc tổ chức hội nghị tuyên truyền cho người dân với nội dung truyền tải về tầm quan trọng của chim di cư, đặc biệt là loài rẽ mỏ thìa, kết hợp chiếu phim tư liệu, phát các tài liệu và ấn phẩm truyền thông, đồng thời thực hiện lễ ký cam kết không săn bắt và tiêu thụ chim.
Trong khi đó, nhóm với dự án đặt tại xã Kim Trung đã chọn một hướng tiếp cận độc đáo bằng cách gắn bảo vệ chim di cư với vấn đề rác thải sinh hoạt. Sáng kiến bao gồm tổ chức Ngày hội truyền thông môi trường, tập huấn phân loại và xử lý rác bằng men vi sinh tại hộ gia đình, phát tặng thùng rác và tổ chức chiến dịch thu gom rác ven biển – nơi chim thường kiếm ăn và dừng chân. Qua đó không chỉ góp phần cải thiện môi trường sống của các loài chim, mà còn nâng cao ý thức cộng đồng về mối liên hệ giữa sức khỏe con người, môi trường và đa dạng sinh học.
Hai sáng kiến đã được WildAct tài trợ để thực thi những cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt và gắn chặt với thực tiễn của phụ nữ địa phương, góp phần xây dựng mô hình bảo tồn từ cộng đồng, vì cộng đồng.
Cấp bách bảo tồn chim rẽ mỏ thìa tại Ninh Bình
Chim rẽ mỏ thìa (Calidris pygmaea) là một loài chim di trú quý hiếm được xếp vào loài Cực kỳ nguy cấp. Vào mùa chim di cư, thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, loài chim này thường bay qua và trú ngụ tại các tỉnh ven biển thuộc Khu Dự trữ Sinh quyển Châu thổ Sông Hồng bao gồm tỉnh Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, quần thể của loài chim di cư nói chung và chim rẽ mỏ thìa nói riêng đã và đang suy giảm đáng kể do các yếu tố như biến đổi khí hậu, mất môi trường sống và nạn săn bắt trái phép.
Chim rẽ mỏ thìa. (Ảnh: WildAct)
Từ năm 2023 đến nay, WildAct đã phối hợp với chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình triển khai đạt được các mục tiêu chính như sau: (1) Tập huấn về kỹ năng quản lý dự án và kỹ năng truyền thông về bảo tồn cho cán bộ HPN tại hai huyện Yên Mô và Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, (2) Khảo sát về nhận thức và sự quan tâm của người dân về chim di cư, (3) Tổ chức chương trình truyền thông về chim di cư tại địa phương, (4) Tổ chức cuộc thi Sáng kiến về bảo tồn.
Đại biểu tham quan triển lãm tranh về chim di cư.
Hội nghị Tổng kết Dự án “Sáng kiến bảo tồn do Phụ nữ lãnh đạo để xây dựng hệ sinh thái hài hòa cho loài chim rẽ mỏ thìa và cộng đồng địa phương tại tỉnh Ninh Bình” vừa diễn ra thành công tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình với sự tham gia của hơn 20 đại biểu đến từ các cơ quan ban, ngành cấp tỉnh Ninh Bình, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ (HPN) các cấp, cùng các chuyên gia và nhóm dự án địa phương.
Bên cạnh việc báo cáo kết quả của dự án và công bố tài trợ cho hai sáng kiến bảo tồn chim di cư của các HPN, hội nghị còn tạo cơ hội để các bên cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tế, thảo luận và tiếp tục phối hợp trong công tác bảo tồn chim di cư tại địa phương - đặc biệt là loài chim rẽ mỏ thìa đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!