Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc

Hương Uyên, Hoàng Hải-Thứ năm, ngày 26/12/2024 16:03 GMT+7

bangdatally.xyz - Sở VHTTDL phối hợp với HH Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức khảo sát, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hoá cộng đồng và kết nối tour du lịch Xuân Sơn - Long Cốc.

Chương trình khảo sát, trải nghiệm với chủ đề “Khám phá Xuân Sơn - Discover Xuân Sơn” không chỉ giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa độc đáo, mà còn khéo léo kết hợp việc quảng bá và kết nối các tour du lịch theo cách riêng của vùng đất Tân Sơn - Phú Thọ. Đây là một sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy phong trào du lịch của tỉnh, đặc biệt trong khuôn khổ tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao năm 2024.

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 1.

Đoàn khảo sát trên tuyến đường trekking xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Phát triển du lịch bền vững kết hợp bảo tồn văn hoá truyền thống

Trong chuyến hành trình dài 3 ngày, đoàn đã tham gia khảo sát các điểm đến, trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ, du lịch đặc trưng tại các xã Xuân Sơn, Long Cốc. Đoàn đã dành phần lớn thời gian tại hai điểm du lịch sinh thái cộng đồng mới được công nhận cấp tỉnh là bản Dù và bản Cỏi thuộc xã Xuân Sơn.

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 2.

Du khách khám phá Hang Cỏi

Bên cạnh tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nơi đây còn có đồng bào Mường, Dao sinh sống. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp cùng nét độc đáo riêng có trong phong tục tập quán của đồng bào Dao, Mường tại xã Xuân Sơn đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. 

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 3.

Đồng bào dân tộc Dao tại bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ)

Bà Phùng Thị Hoa Lê (Trưởng phòng Quản lý Du lịch - Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Khi triển khai mô hình phát triển du lịch cộng đồng, nhiều lớp tập huấn cho người dân đã được mở để chuyển đổi tư duy sang làm kinh tế du lịch và đào tạo các nghiệp vụ du lịch như: hướng dẫn du lịch, biểu diễn văn hóa dân tộc…

Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững mà vẫn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người dân tộc tại xã Xuân Sơn, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống như nhạc cụ, trang phục dân tộc, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc trưng… Từ đó giúp cho xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng thêm phong phú, hấp dẫn hơn.” 

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 4.

Đồng bào dân tộc Dao Tiền kết hợp làm kinh tế du lịch với việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật vẽ sáp ong

Chương trình được tổ chức nhằm thiết thực triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy tiềm năng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng tại huyện Tân Sơn nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung.

Xây dựng trung tâm không gian văn hóa chè tại “Vịnh Hạ Long trên vùng đất trung du”

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 5.

Đồi chè Long Cốc với khung cảnh xanh mát

Phú Thọ được coi là cái nôi của ngành Chè Việt Nam. Từ năm 1918, Trạm nghiên cứu nông lâm nghiệp Phú Thọ được thành lập, nhiều nhà khoa học người Pháp, người Hà Lan đã điều tra, khảo sát phục vụ quy hoạch và phát triển chè ở Đông Dương. Trải qua quá trình phát triển, đổi tên, đến nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã có hơn một trăm năm phát triển, nghiên cứu nhiều giống chè, kỹ thuật chế biến nhiều sản phẩm chè chuyển giao cho các tỉnh, thành trên cả nước.

Bà Hoa Lê bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn phát triển Long Cốc trở thành trung tâm không gian văn hóa Chè của cả nước, khai thác giá trị cảnh quan, tài nguyên du lịch để xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc thù nơi đây phục vụ du khách trải nghiệm”.

Đồi chè Long Cốc được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên vùng đất trung du” với hàng trăm quả đồi lớn nhỏ san sát hình bát úp. Từ năm 2017, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức cuộc thi “Ảnh đẹp Du lịch Phú Thọ”, thu hút các nghệ sĩ nhiếp ảnh tìm đến sáng tác và ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp. Chị Hoa Lê cho biết, hiện tại ngành du lịch Phú Thọ đang tích cực truyền thông, quảng bá về đồi chè Long Cốc trên các trang mạng xã hội, các website và kênh truyền thông trung ương, địa phương. Hàng năm, ngành du lịch tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip để quảng bá nét đẹp đồi chè và khảo sát, tư vấn phát triển dịch vụ du lịch tại Long Cốc.

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 6.

Các cô gái dân tộc Mường trên đồi chè Long Cốc

Theo ông Nguyễn Ngọc Lân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ: “Trải nghiệm nhất định phải thử khi đến với Long Cốc là đón bình minh, săn mây trên đồi chè. Đây là thời điểm đẹp nhất tại Long Cốc khi sương mây huyền ảo vào khoảnh khắc chờ đón mặt trời lên. Ngoài ra, hoàng hôn trên đồi chè Long Cốc cũng chính là khoảng thời gian không thể bỏ lỡ của du khách”.

Nỗ lực phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng

Thực hiện các Nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ, hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh Phú Thọ đã triển khai xây dựng một số mô hình du lịch cộng đồng dựa trên tài nguyên du lịch văn hóa và tài nguyên du lịch tự nhiên trên địa bàn tỉnh như: du lịch gắn với di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ, gắn với giá trị tài nguyên Vườn Quốc gia Xuân Sơn, thắng cảnh Đồi chè Long Cốc… 

Theo chị Hoa Lê, việc triển khai phát triển mô hình du lịch cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, cần có thêm thời gian và nguồn lực để đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du khách như: đường giao thông, bãi đỗ xe, các điều kiện đón tiếp khách tại khu vực cộng đồng, việc thay đổi nhận thức và kỹ năng tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch của người dân… Song song với việc phát triển du lịch, vấn đề về bảo tồn cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ cũng là một thách thức. Để có thể phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng tới thiên nhiên, bảo tồn cảnh quan đồi chè nguyên vẹn phục vụ khách tham quan chụp ảnh cũng cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các ngành trong công tác quản lý và hướng dẫn, vận động người dân chung tay bảo vệ tài nguyên du lịch hấp dẫn này.

Mặc dù còn có những khó khăn, song với sự quyết tâm chung sức của toàn tỉnh Phú Thọ đã đã giúp cho mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại đây ngày một phát triển.

Một vài hình ảnh trong chuyến khảo sát:

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 7.

Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp tại hang Cỏi

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 8.

Đời sống sinh hoạt của người dân tộc Dao tại bản Cỏi

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 9.

Đoàn khảo sát khám phá hang Cỏi

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 10.

Khám phá cung đường trekking tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 11.

Các doanh nghiệp du lịch khảo sát tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 12.

Homestay Long Coc ecolodge được xây dựng thân thiện với môi trường xung quanh.

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 13.

Đồi chè Long Cốc đẹp như một bức tranh.

Phú Thọ khảo sát các điểm du lịch mới tại Xuân Sơn - Long Cốc - Ảnh 14.

Du khách tản bộ trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước